Thủy điện nhỏ gây lũ hay góp phần điều tiết nước?

Thứ sáu, 30/10/2020, 19:17 PM

Thủy điện nhỏ gây lũ hay góp phần điều tiết nước, cắt lũ đang có những tranh cãi giữa các nhà khoa học.

Thủy điện nhỏ gây lũ hay góp phần điều tiết nước đang gây tranh cãi

Thủy điện nhỏ gây lũ hay góp phần điều tiết nước đang gây tranh cãi

Tại tọa đàm "Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt", ông Nguyễn Tài Sơn đánh giá thủy điện nhỏ không gây ra lũ mà còn góp phần cắt lũ. Ông Nguyễn Tài Sơn đưa ra ví dụ, đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, nước đổ về thủy điện Quảng Trị là 1.400 m3/s, hồ Quảng Trị cắt được 296 m3 (21%). Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) cắt được 2.052 m3/s trên lưu lượng đổ về 4.552 m3/s, đạt 45%. Thủy điện Đắk Mi 4 cắt được 2.353 m3/s trên lưu lượng đổ về 3.149 m3/s.

"Thủy điện sông Tranh 2 ở Quảng Nam từ qua đến nay đã cắt được 50% lũ", ông Sơn nói và cho rằng đợt mưa từ ngày 6 đến 20/10 ở miền Trung nhiều nơi ghi nhận hơn 2.000 mm là nguyên nhân chính dẫn tới lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng hồ thủy điện chỉ xả đúng lưu lượng nước đổ về.

Về ảnh hưởng đến rừng, ông Sơn nhận định thủy điện góp phần phục hồi độ che phủ rừng từ 28% năm 1995 lên 41,9% vào năm 2019. Theo ông Sơn, các thủy điện khi xây dựng đã phá đi diện tích rừng nhất định, nhưng họ phải đóng góp chi phí phục hồi rừng hàng năm. Đây là khoản tiền được trả trực tiếp cho người dân giúp họ có sinh kế mới không vào rừng khai thác như trước đây nữa.

PGS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Đại học Tài Nguyên và Môi trường, phân tích mức độ giảm nhẹ lũ tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành hồ. Các hồ nhỏ gần như không có khả năng tích nước nên cũng không gây ra lũ.

Trái với quan điểm trên, TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng thủy điện nhỏ không có khả năng điều tiết mà còn góp phần tăng thêm mức độ nghiêm trọng của lũ. "Lưu lượng xả có thể không tăng so với dòng chảy tự nhiên, nhưng tốc độ chảy sẽ nhanh hơn khiến sức tàn phá của nước lũ lớn hơn", TS Chu nói.

Ngoài ra, TS Chu nhận định việc xây dựng nhiều thủy điện nhỏ tiềm ẩn nguy cơ về khai thác rừng tự nhiên. "Rừng tự nhiên sẽ có khả năng tiêu lũ khác so với rừng trồng. Diện tích rừng trồng có thể tăng lên nhưng chưa chắc đã giữ được nhiều nước bằng rừng tự nhiên", ông nói.

Bài liên quan