Tiêm kích F-35 'gặp hạn' vì dịch Covid-19

Thứ hai, 16/03/2020, 19:00 PM

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, và ngay cả các máy bay chiến đấu F-35 cũng không ngoại lệ.

Máy bay chiến đấu F-35 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản - JASDF

Máy bay chiến đấu F-35 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản - JASDF

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, mọi hoạt động sản xuất công nghiệp đều gặp khó khăn, và việc lắp ráp các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cũng không ngoại lệ.

Theo bà Ellen Lord, thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách mua sắm và duy trì, nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin đã phải tạm ngừng việc lắp ráp các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35A Lightning II tại cơ sở của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi ở Nagoya, Nhật Bản.

Theo trang Tin tức Quốc phòng (Defense News), tại hội nghị thường niên McAleese ở Washington DC hôm 04/03/2020, bà Ellen Lord đã tiết lộ với báo giới: Việc lắp ráp các máy bay F-35A tại Cơ sở lắp ráp tổng thành và xuất xưởng (Final Assembly and Check Out - FACO) đã được tạm dừng một tuần trước đó (nghĩa là cuối tháng 02/2020). Tuy nhiên, cũng theo bà Ellen Lord, việc tạm dừng này trước mắt vẫn chưa ảnh hưởng đến tiến độ lắp ráp các máy bay F-35A cho Nhật Bản.

Được biết, cơ sở FACO của Tập đoàn Mitsubishi có giá trị khoảng 1 tỉ USD, được xây dựng để phục vụ việc lắp ráp 38 chiếc F-35A cho Lực lượng phòng vệ trên không (JASDF) của Nhật Bản. Năm 2019, Cơ quan Mua sắm, Công nghệ, và Hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: Việc lắp ráp mỗi chiếc máy bay F-35A tại Nhật Bản đắt hơn 30 triệu USD so với việc nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Tháng 12/2011, Nhật Bản đã chọn F-35A làm máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, với việc đặt hàng 42 chiếc. Tiếp đó, tháng 12/2018, Chính phủ Nhật Bản đã tiếp tục đặt mua thêm 63 chiếc F-35A (biến thể cất hạ cánh trên đường băng thông thường cho không quân) và 42 chiếc F-35B (biến thế cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng - STOVL - cho các tàu đổ bộ của thủy quân lục chiến).

Trong năm tài khóa 2020 (tính từ tháng 03), Nhật Bản sẽ mua 06 chiếc F-35B với giá 725 triệu USD, và mua 03 chiếc F-35A với giá 85,7 triệu USD/chiếc. Các thành phần linh kiện của máy bay F-35 sản xuất ở nước ngoài sẽ được vận chuyển đến Nhật Bản để lắp ráp tại cơ sở FACO ở Nagoya. Tuy vậy, trong quá trình lắp ráp, Nhật Bản đã không được Hoa Kỳ cấp quyền truy cập vào một số công nghệ nhạy cảm của máy bay F-35A.

Trong số 42 chiếc F-35A được đặt mua đợt đầu năm 2011, 04 chiếc đầu tiên được chế tạo tại Hoa Kỳ. Đến nay, cơ sở FACO của Tập đoàn Mitsubishi được cho là đã cung cấp thêm 15 chiếc F-35A nữa cho Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF).

Được biết, JASDF đã bắt đầu triển khai phi đoàn máy bay chiến đấu F-35A đầu tiên của mình vào tháng 03/2019.

Chỉ chưa đầy một tháng sau khi phi đoàn này đi vào hoạt động, ngày 09/04/2019, một chiếc F-35A đã rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương, ngoài khơi phía bắc Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, chứng chóng mặt của phi công là nguyên nhân gây ra tai nạn, giết chết Thiếu tá Akinori Hosomi thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật 302, Không đoàn 3.

Ngoài cơ sở FACO, vào tháng 09/2019, Lockheed Martin cũng được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giao một hợp đồng trị giá 25,2 triệu USD để xây dựng một cơ sở sửa chữa, nâng cấp, và bảo trì các máy bay F-35 tại Nagoya.

Máy bay chiến đấu F-35 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản - JASDF

Máy bay chiến đấu F-35 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản - JASDF

Ngoài Nhật Bản, các cơ sở của Lockheed Martin ở Ý cũng đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Nhiều nhân sự của hãng ở Ý đã bị hạn chế đi lại, và nhận được yêu cầu làm việc tại nhà, để tránh bị lây nhiễm dịch bệnh.

Là một loại máy bay chiến đấu hiện đại và phức tạp, quá trình sản xuất những chiếc F-35 tạo ra một chuỗi cung ứng toàn cầu với mức độ phức tạp chưa từng có trong lịch sử công nghiệp quốc phòng. Các thành phần linh kiện của máy bay được chế tạo từ khắp mọi nơi trên thế giới, để gửi đến nhà máy của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do yêu cầu của một số đối tác nước ngoài, một số máy bay F-35 được lắp ráp tại Cameri (Ý) và Nagoya (Nhật Bản).

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, trung tá Mike Andrew cho biết: Chiến đấu với dịch Covid-19 vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Bộ này, và Bộ trưởng Esper vẫn thường xuyên gặp gỡ hàng tuần với các nhà lãnh đạo cấp cao để thảo luận về cách bảo vệ quân nhân Mỹ trên khắp thế giới.

Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn kết nối đầy đủ với cơ sở công nghiệp quốc phòng trên tất cả các chương trình, bao gồm cả F-35, và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khi cần thiết. Người phát ngôn của Lockheed, Brett Ashworth cho biết cơ sở của hãng này ở Fort Worth đến giờ vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang lan rộng trên toàn cầu, và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Lĩnh vực quân sự - quốc phòng cũng không ngoại lệ, nhất là với một siêu cường toàn cầu như Hoa Kỳ. Hiện nay một nhóm do Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Phòng thủ nội địa và An ninh Toàn cầu Ken Rapuano lãnh đạo đang theo dõi tất cả các khía cạnh của tác động của dịch Covid-19, bao gồm cả kịch bản ứng phó với cho các tác động tiềm tàng.

Bài liên quan