Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Có người nói học sinh vô tội là sai, điểm từ 1 lên 9 các em phải biết

Thứ năm, 19/07/2018, 17:24 PM

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải thì “có cầu mới có cung”, mà cầu chính là bố mẹ thí sinh, tiếp theo là học sinh. Có người nói học sinh vô tội, nói vậy là sai, các em không làm được bài nhưng từ điểm 1 lên điểm 9 các em phải biết.

0
Gian lận điểm thi THPT Hà Giang, có cầu mới có cung. Ảnh Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang.

Tiếp theo câu chuyện điểm thi THPT Quốc gia 2018 cao bất thường tại Hà Giang. Đến nay trong danh sách 114 thí sinh ở Hà Giang được ông Vũ Trọng Lương nâng điểm có nhiều trường hợp là con em lãnh đạo, cán bộ hoặc doanh nghiệp lớn trong tỉnh. Đặc biệt trong số thí sinh được nâng điểm có con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.

Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ và những ai liên qua đến sai phạm này chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên ở góc độ người làm công tác giáo dục, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải người từng coi thi, chấm thi THPT, coi thi và chấm thi đại học cảm thấy buồn khi không ai lên tiếng thừa nhận về vấn đề tiêu cực thi cử.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên chiều ngày 19/7, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải kể lại những câu chuyện dở khóc dở cười về chiêu trò gian lận thi mà chính ông là người trong cuộc.

Đồng thời Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cũng đưa ra nhận định riêng của cá nhân ông về những gian lận trong kỳ thi THPT Hà Giang vừa qua.

tien-si-nguyen-van-khai-gian-lan-diem-thi-ha-giang-co-cau-moi-co-cung
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải kể lại những câu chuyện dở khóc dở cười về chiêu trò gian lận thi mà chính ông là người trong cuộc. Ảnh H.Lực

Đổi bài thi bằng khay nước

Theo lời kể Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải từ năm 1961 ông đã đi dạy bổ túc.  6 năm sau Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải bắt đầu đi dạy cấp ba hệ phổ thông.

“Từng trông thi tốt nghiệp THPT, chấm thi THPT, trông thi và chấm thi đại học, cao đẳng. Vì thế tôi rất hiểu câu chuyện tiêu cực trong giáo dục nhưng cũng rất buồn vì không có ai nói về gian lận thi cử trong kỳ thi THPT. Giáo viên cũng không dám lên tiếng đây là điều đau xót, là thất bại của ngành giáo dục.

Tiêu cực điểm thi THPT Hà Giang là vụ gian lận bị phát hiện lớn nhất về số người, về quy mô địa phương (hiện không chỉ Hà Giang mà Sơn La, Lạng Sơn cũng đang nghi vấn). Đặc biệt là mức độ trắng trợn khi người ta nâng đến hơn 28 điểm cho thí sinh”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhận định: Việc gian lận thi cử xuất hiện ngay từ khi con người tổ chức các thi cử. Chuyện gian lận thường thường liên quan đến con cái quan chức, lãnh đạo. Họ cho con cái mình điểm cao hoặc cho con người khác để lấy tiền nhưng số lượng rất ít.

Với số lượng lên đến hàng trăm người tại Hà Giang thì đây là lần đầu tiên và có lẽ lớn nhất trong lịch sử.

Theo Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải câu chuyện sai phạm Hà Giang không thể là do cá nhân ông Vũ Trọng Lương.

“Xưa tôi đi coi thi, chấm thi nên biết. Khi trông thi có hai người không biết nhau họ được chọn từ hai cơ sở giáo dục, hai địa phương khác nhau. Ngoài hành lang có một giám thi. Bài thi hoàn thành được tổng hợp chuyển lên ty giáo dục (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo) với thi tốt nghiệp cấp ba hoặc chuyển lên các trường đại học nếu là thi đại học.

vu-diem-thi-cao-bat-thuong-tai-ha-giang-ong-vu-trong-luong-hien-gio-ra-sao
Đến ngày 18/7, ông Vũ Trọng Lương - người nâng điểm có nhiều trường hợp là con em lãnh đạo vẫn đi làm bình thường. 

Khi chấp thi có hai người dọc phách, hai người chấm đợt đầu, hai người chấm đợt sau, hai người ghép phách. Sau đó hai người vào điểm. Tất cả đều là hai người được chọn ngẫu nhiên không quen biết nhau.

Cho nên đã xảy ra hiện tượng gian lận thi cử ví dụ một là kẻ xấu đứng bắc loa nói cả trường biết kết quả, biết đáp án đề thi, hoặc ném phao thì cũng phải có sự đồng tình của hai người coi thi và giám thị”, Tiến sĩ Khải cho biết.

Nói đến chiêu gian lận chấm thi, Tiến sĩ Khải thuật lại câu chuyện của chính ông. “Năm 1998 tôi là tổ trưởng tổ chấm thi đại học, khi bài thi được tập hợp về trường. Trước giờ chấm thi người ta đưa bài mới vào bằng cách dán tập bài mới dưới khay nước hình chữ nhật. Họ để tập bài thi mới vào đó cắt phách gần hết và chỉ cần giật nhẹ là mất. Họ khéo léo dán băng dính phía dưới khay nước nơi gắn bài thi. Khi để khay nước vào bàn chỉ cần dùng tay tách nhẹ thì tập bài thi mới từ khay nước sẽ thay thế tập bài thi cũ. Nhưng tôi nhất quyết từ chối.

Cũng năm đó, một hôm chị tôi và nhiều người đang ngồi trong nhà có người đến thăm thầy Khải tặng gói kẹo lạc, trong đó có một gói quà bọc dày bằng đốt tay trỏ ghi chữ: “Cháu người dân tộc thiểu số…. muốn vào trường”.

Rồi con học trò cũ ở Thái Bình đến xin tôi giúp đỡ vào trường và nhiều trường hợp khác…nhưng tôi không nhận quà và mời về.

Sau đó tất cả các trường hợp tặng quà cho tôi và bị tôi từ chối đều đỗ. Đó là cái đau xót bởi cả thí sinh học được hay không học được khi có cơ hội đều muốn đi cửa sau, muốn chạy điểm. Nếu lúc đó tôi nhận quà có khi lại nghĩ vì thế mới đỗ chứ không phải vì năng lực của mình”, Tiến sĩ Khải kể.

Có cầu mới có cung

Trong vụ gian lận đợt thi THPT 2018, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phải có “cầu mới có cung”. Không ai tự nhiên sửa điểm cho một thí sinh hay nhiều thí sinh.

“Cầu là ai, cầu chính là bố mẹ thí sinh. Cái thứ hai là học sinh. Có người nói học sinh vô tội, nói vậy là sai, các em không làm được bài nhưng từ điểm 1 lên điểm 9 các em phải biết.

tien-si-nguyen-van-khai-gian-lan-diem-thi-ha-giang-co-cau-moi-co-cung
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải dù là sửa điểm hay thay bài thi cũng phải có sự đồng ý của cả ê-kip. Ảnh H.Lực

Để thay đổi kết quả thi có hai cách: Một là thay bài mới, hai là thay điểm, sửa điểm. Riêng vụ Hà Giang chỉ nói sửa điểm thi, chưa nói rõ có thay bài không. Dù là sửa điểm hay thay bài thi cũng phải có sự đồng ý của cả ê-kip.

Người thực hiện sửa điểm là ông Lương nhưng ông Lương chỉ là người đứng đầu nhóm thực hành gian lận. Vấn đề phải làm rõ ai trong số người cùng đồng tình cách làm của ông Lương. Việc sửa điểm của ông Lương vì mục đích đích gì, do ai nhờ.

Một người đại diện công an nói rằng chưa có yếu tố khởi tố, tôi nghĩ rằng quan điểm này chưa đúng bởi sửa điểm ở trường đã bị cảnh cáo, còn đây kỳ thi quốc gia thì sửa điểm thay đổi chứng từ, thay đổi tài liệu. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, với số tài liệu rất lớn cần phải khởi tố”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nói.

Bình luận về nội dung ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang trả lời báo chí xoay quanh vấn đề nâng điểm cho con gái ông Vinh. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải thẳng thắn: “Tôi đọc báo thấy hôm trước ông Vinh nói con gái ông không cần nâng điểm hôm nay đọc báo thấy ông Vinh lại trả lời rất buồn vì nâng điểm như vậy để đưa con lãnh đạo vào tròng. Vậy Bí thư Hà Giang và con gái ông có đứng ra tố cáo kẻ nâng điểm và yêu cầu khởi tố vụ án không làm rõ mục đích kẻ nâng điểm không? Và nếu vụ việc không bị phát hiện thì kẻ đứng đằng sau nâng điểm cho con Bí thư tỉnh Hà Giang sẽ được gì?”

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm vụ điểm thi cao bất thường tại tỉnh Hà Giang theo quy định của pháp luật.

 

Tiếp sau Sơn La, Lạng Sơn đến lượt Hòa Bình, Bạc Liêu được đưa vào 'tầm ngắm' nghi vấn có điểm thi bất thường

Ngoài các tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, đang có nghi vấn điểm thi bất thường thì Hòa Bình và Bạc Liêu cũng đang được đưa vào "tầm ngắm".

 

Điểm thi THPT cao bất thường ở Hà Giang: Nhiều con, cháu lãnh đạo được nâng điểm

Trong danh sách 114 thí sinh ở Hà Giang được ông Vũ Trọng Lương nâng điểm có nhiều trường hợp là con em lãnh đạo, cán bộ hoặc doanh nghiệp lớn trong tỉnh.

 

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: ‘Cần tạm ngừng chức vụ người liên quan gian lận điểm thi Hà Giang để điều tra’

Với góc nhìn nhà giáo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần tạm ngừng tất cả chức vụ người có liên quan đến gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang để phục vụ điều tra.