Thứ ba, 24/04/2018, 11:01 AM
  • Click để copy

Tiểu thuyết lịch sử đoạt giải C Quốc gia bị phản ứng vì mô tả cảnh 'người lớn' thô tục: Người chấm xin rút kinh nghiệm

Thừa nhận cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ có chi tiết thô tục và bị dư luận phản ứng nhưng vẫn được trao giải C hạng mục sách hay tại lễ trao giải sách Quốc gia 2018, nhà văn Nguyễn Phan Hách đại diện Tiểu ban sách văn học thuộc Ban chấm giải xin được rút kinh nghiệm.

tieu-thuyet-lich-su-doat-giai-c-quoc-gia-bi-phan-ung-vi-qua-tho-tuc-nguoi-cham-xin-rut-kinh-nghiem
Tác phẩm "Chim ưng và chàng đan sọt" với lời giới thiệu vô cùng "long lanh".

Tiểu thuyết lịch sử “thô tục” như truyện người lớn

Mới đây, cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ đã được nhận giải C giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất 2018, gây xôn xao dư luận bởi có một số đoạn bị cho là thô tục, nhạy cảm.

Tác phẩm này là tiểu thuyết lịch sử của tác giả Bùi Việt Sỹ xoay quanh nhân vật chính Phạm Ngũ Lão, xuất thân nông dân trở thành anh hùng. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng khắc họa chân dung của Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Đáng chú ý, trong cuốn sách này có đoạn mô tả cảnh quan hệ tình dục của nhân vật Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy… khiến nhiều độc giả chỉ trích, cho rằng tác phẩm gợi dục với từ ngữ thô thiển, không phù hợp với thể loại tiểu thuyết lịch sử. Do đó, nhiều người còn bày tỏ nghi ngờ về việc trao giải thưởng cho tác phẩm này.

tieu-thuyet-lich-su-doat-giai-c-quoc-gia-bi-phan-ung-vi-qua-tho-tuc-nguoi-cham-xin-rut-kinh-nghiem
Chi tiết gây tranh cãi trong cuốn tiểu thuyết - (Ảnh: FB).

Đặc biệt, nhiều bậc phụ huynh lên tiếng cảnh báo vì sợ con em đọc được.  Một độc giả đã phải thốt lên: “Đọc và thấy sợ hãi cho những dòng chữ gán mác truyện lịch sử nhưng lại miêu tả trần trụi, thô tục như truyện người lớn, nó trái ngược với lời giới thiệu ở đầu sách".

Có độc giả sau khi đọc cuốn sách đã phản ứng: “Tôi từng đọc truyện thâm cung bí sử của Trung Quốc nhưng các tác giả viết rất tế nhị về “cảnh nóng”. Còn ở tác phẩm này, tôi thấy kinh hoàng trong cách viết, cách miêu tả”.

Một số chuyên gia giáo dục thì lên tiếng khuyến cáo: “Riêng với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ nên đọc trước tác phẩm và rất không nên cho con tham khảo. Hình ảnh và câu chữ trong phân đoạn miêu tả hình ảnh tình dục trong này hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ”.

Người chấm giải xin rút kinh nghiệm

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 24/4, nhà văn Nguyễn Phan Hách - Trưởng tiểu ban sách Văn học thuộc Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia thừa nhận cuốn sách của tác giả Bùi Việt Sỹ bị dư luận phản ứng vì những chi tiết nhạy cảm, thô tục.

Lý giải về cơ sở để trao giải cho tác phẩm này, ông Hách cho biết: Cuốn sách từng được thành tích giải B trong cuộc thi viết tiểu thuyết giai đoạn 2011-2015 do Hội Nhà văn Việt Nam trao. Theo đánh giá của ông Hách, đây là cuốn sách trong dòng văn học Chủ nghĩa yêu nước nói về truyền thống chiến đấu của ông cha ta trong giai đoạn chống quân xâm lược và đặt vào tổng thể của toàn bộ tác phẩm thì đây là cuốn sách có nội dung thanh thoát, chủ đề tốt.

tieu-thuyet-lich-su-doat-giai-c-quoc-gia-bi-phan-ung-vi-qua-tho-tuc-nguoi-cham-xin-rut-kinh-nghiem
Toàn cảnh buổi lễ Giải thưởng Sách Quốc gia 2018 - (Ảnh: Vũ Gia Hà).

“Đây là câu chuyện về lịch sử có cách viết khá nhẹ nhàng thanh thoát chứ không đơn thuần là sách tư liệu lịch sử. Đây không phải là tiểu thuyết sex mà chỉ có một chi tiết miêu tả về vị tướng Trần Khánh Dư. Có thể tác giả muốn qua chi tiết đó miêu tả tính cách khác thường của vị tướng này”, ông Hách bày tỏ.

Tuy nhiên, Trưởng tiểu ban sách Văn học thuộc Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia thừa nhận, tác giả Bùi Việt Sỹ đã dùng những ngôn ngữ dung tục của thời nay để miêu tả cảnh ân ái đó gây phản cảm cho dư luận, đồng thời nhận trách nhiệm và xin rút kinh nghiệm về sự việc này.

“Có thể khi đọc, xét chúng tôi không phát hiện ra hoặc có ấn tượng nhưng mờ nhạt chỉ nhìn tổng thể của cuốn sách chứ không nhìn được hết sự nguy hại của chi tiết này. Tuy nhiên, tác giả vẫn dùng những từ bóng gió chứ không dùng từ trực tiếp “bẩn thỉu”… Giá như không có chi tiết ấy, hoặc có thì nhẹ nhành hơn. Mặc dù thế, trách nhiệm thuộc về tiểu ban sách Văn học cũng như đơn vị liên quan. Chúng tôi xin rút kinh nghiệm nghiêm túc”, ông Hách bày tỏ. Đồng thời cũng cho rằng, trong văn chương chi tiết “nhạy cảm” hiện nay không còn là điều cấm kỵ do đó không nên chỉ vì một chi tiết này mà phủ nhận toàn bộ cuốn sách.

Trả lời câu hỏi về việc có rút giải thưởng đối với tác giả cuốn sách nói trên, nhà văn Nguyễn Phan Hách cho biết: Điều này phụ thuộc vào những người cao hơn trong ban tổ chức.

Về phía tác giả Bùi Việt Sỹ, ông cho biết cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 2016. "Từ đó đến nay không ai có ý kiến gì, vậy mà sau khi cuốn sách đoạt giải C hạng mục sách hay thì lại có những ý kiến trái chiều", tác giả thắc mắc.

Theo ông Bùi Việt Sỹ, cảnh ân ái trong cuốn tiểu thuyết không mang tính kích dục. Yếu tố tình cảm nam nữ chỉ điểm xuyết ở một vài trang, chứ không phải nội dung chính thể hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

“Tác phẩm không hề dung tục. Những chi tiết miêu tả chân thực chỉ muốn lột tả sự mạnh mẽ của nhân vật Trần Khánh Dư. Hãy đọc và cảm nhận toàn bộ tác phẩm thay vì chỉ tập trung vào một vài chi tiết nhỏ. Nếu chỉ săm soi một vài chi tiết thì theo tôi không thể cảm nhận đầy đủ, chẳng khác nào: thầy bói xem voi!”, nhà văn Bùi Sỹ Việt nói.

Còn Chủ tịch Hội nhà Văn, ông Hữu Thỉnh cho rằng, cảnh ái ân trong tiểu thuyết này chỉ là chi tiết phụ giúp người đọc thấy được lý do sau này Trần Khánh Dư chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của vua Trần. "Chi tiết không ảnh hưởng đến chủ đề tư tưởng tác phẩm cũng như làm mờ phẩm cách, khí tiết của danh tướng sau này. Tiểu thuyết là nơi nhà văn phát huy trí tưởng tượng, để độc giả hình dung sinh động về giai đoạn lịch sử".

Khó chọn tác phẩm đạt giải

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, nhà văn Nguyễn Phan Hách cho biết: Trong những năm gần đây, việc chọn giải cho mục giải Văn học rất khó. 

"Vừa rồi có mấy chục cuốn tiểu thuyết đều trượt hết. Chỉ duy nhất có cuốn này đã từng đạt giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm này cũng đã trải qua mấy kỳ bỏ phiếu rồi", ông Hách nói.

Đánh giá về tác giả Bùi Việt Sỹ, ông Hách cho biết: "Tác giả Bùi Việt Sỹ là cây viết đang lên và gây được chú ý".

 

NSND Tuệ Minh-vợ cố nhà văn Nguyễn Đình Thi qua đời

NSND Tuệ Minh, vợ cố nhà văn Nguyễn Đình Thi đã qua đời vào sáng ngày 24-2, hưởng thọ 80 tuổi.

 

Nhà văn Hạ Vũ: 'Đồng tính đã mang cho tôi một trái tim nhạy cảm'

Trước thông tin đồn đoán xu hướng tính dục, trên trang cá nhân của mình, nhà văn Hạ Vũ đã có những chia sẻ xúc động khi "được là người đồng tính"

 

Trần Đăng Khoa là ai và Trần Đăng Khoa là nhà thơ hay nhà văn

Trần Đăng Khoa là ai và Trần Đăng Khoa là nhà thơ hay nhà văn, nổi tiếng với danh hiệu thần đồng thơ văn từ khi lên 8, nhắc đến ông người ta sẽ nghĩ ngay đến Hạt gạo làng ta, một bài thơ...