Tin thế giới sáng 10/12: Con trai ông Joe Biden bị điều tra thuế, Facebook có thể bị buộc bán Instagram

Thứ năm, 10/12/2020, 07:11 AM

Điểm tin thế giới sáng 10/12: Con trai Tổng thống đắc cử Joe Biden bị điều tra thuế, Bị 46/50 bang ở Mỹ kiện, Facebook có thể bị buộc bán Instagram....

Hunter Biden và cha - Joe Biden. Ảnh: BBC

Hunter Biden và cha - Joe Biden. Ảnh: BBC

Con trai Tổng thống đắc cử Joe Biden bị điều tra thuế

Hunter Biden - con trai của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden ngày 9/12 cho biết đang bị văn phòng Công tố tại Delaware điều tra về các vấn đề thuế.Trong một tuyên bố, ông Hunter Biden bày tỏ tin tưởng rằng vấn đề sẽ được xem xét chuyên nghiệp và khách quan, chứng minh được rằng các hoạt động của ông là hợp pháp và phù hợp.

Theo ông Hunter Biden, lần đầu tiên biết về cuộc điều tra là vào ngày 08/12 vừa qua khi các công tố viên thông báo cho luật sư riêng của ông.

Nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử cho biết, ông Joe Biden rất tự hào về con trai mình, người đã chiến đấu qua những thử thách khó khăn, bao gồm cả những cuộc tấn công cá nhân trong những tháng gần đây.

Theo Hãng tin CNN, các nhà điều tra tập trung vào vấn đề tài chính, bao gồm cả việc ông Hunter và các cộng sự có vi phạm luật thuế và rửa tiền trong các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc hay không.

50 bang và thủ đô Mỹ hoàn tất chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống

Toàn bộ 50 tiểu bang và thủ đô Washington, D.C., đã chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống của họ, theo thống kê của CNN, và đại cử tri đoàn sẽ gặp nhau để bỏ phiếu vào ngày 14/12.

West Virginia trở thành bang cuối cùng chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống hôm 9/12, chính thức tuyên bố rằng Tổng thống Donald Trump giành được 5 phiếu đại cử tri của bang.

Tổng thống đắc cử Joe Biden được dự đoán giành 306 phiếu đại cử tri và ông Trump giành 232 phiếu. Ứng viên cần ít nhất 270 phiếu đại cử tri trong tổng số 538 phiếu trên toàn quốc để trở thành tổng thống.

Empty

Các bang chứng nhận kết quả giữa lúc ông Trump liên tục cáo buộc vô căn cứ rằng quá trình bầu cử đã xảy ra gian lận và gieo rắc nghi ngờ về kết quả bỏ phiếu. Hàng chục vụ kiện nhằm lật ngược kết quả đã bị bác bỏ ở cấp tiểu bang và liên bang trên khắp nước Mỹ kể từ ngày bầu cử 3/11.

Mỗi bang có các quy trình khác nhau để chứng nhận kết quả và một số bang chứng nhận danh sách đại cử tri bầu chọn tổng thống của họ tách biệt với kết quả bầu cử của bang và các hạt.

Bước quan trọng tiếp theo là cuộc nhóm họp của các đại cử tri tại từng bang, theo luật là ngày 14/12 năm nay. Lá phiếu của đại cử tri sau đó sẽ được kiểm đếm tại một phiên họp chung của lưỡng viện quốc hội vào ngày 6/1.

Bị 46/50 bang ở Mỹ kiện, Facebook có thể bị buộc bán Instagram

Công ty mạng xã hội Facebook có thể buộc phải bán hai ứng dụng là Instagram và WhatsApp sau khi đối mặt với hai đơn kiện từ Ủy ban Thương mại liên bang và một liên minh gồm gần như toàn bộ các bang ở Mỹ, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 9/12, Tổng Chưởng lý bang New York, bà Letitia James đã đại diện cho nhóm 46 bang, cùng thủ đô Washington và vùng lãnh thổ Guam, kiện Facebook với cáo buộc vi phạm quy định về chống độc quyền. Bốn bang không tham gia vụ kiện là Alabama, Georgia, South Carolina và South Dakota.

Cùng ngày, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ cũng đệ một đơn kiện cáo buộc Facebook "đang duy trì sự độc quyền về mạng xã hội cá nhân một cách bất hợp pháp thông qua các hành vi hạn chế cạnh tranh kéo dài nhiều năm".

Empty

Các nguyên đơn cho rằng Facebook đã vi phạm quy định về cạnh tranh khi mua đứt ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram (năm 2012, thương vụ trị giá 1 tỉ USD) và ứng dụng nhắn tin WhatsApp (năm 2014, thương vụ trị giá 19 tỉ USD) và nhiều thương vụ khác.

Các nguyên đơn cho rằng công ty này đã chọn mua những ứng dụng có thể đe dọa sự thống trị của ứng dụng Facebook. 

Theo đơn kiện, bà James viết rằng: "Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn, loại bỏ sự cạnh tranh, tất cả điều này gây hại cho người dùng hàng ngày".

Đây là vụ kiện lớn thứ hai mà một công ty công nghệ từng đối mặt ở Mỹ, sau vụ Bộ Tư pháp nước này kiện Google vào tháng 10 năm nay với cáo buộc sử dụng tiềm lực kinh tế để tạo thế độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

 Đơn kiện được cho là biểu hiện cho sự đồng thuận ngày càng tăng của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc kiểm soát tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ tại thị trường Mỹ.

 Phản ứng trước đơn kiện hôm 9/12, bà Jennifer Newstead, người đứng đầu đội ngũ cố vấn pháp lý cho Facebook, cho rằng đây là một vụ kiện mang màu sắc "xét lại lịch sử".

Bà Newstead cho rằng luật chống độc quyền không nên được dùng để buộc tội "các công ty thành công", lập luận rằng Instagram và WhatsApp đã rất thành công sau khi về dưới tay Facebook.

"Bây giờ, chính phủ muốn một sự thay đổi và đang gửi đi một lời cảnh báo lạnh lùng tới các doanh nghiệp Mỹ rằng không có thương vụ nào là mua đứt bán đoạn" - bà Newstead nói, ám chỉ việc bên mua vẫn có thể gặp nhiều rủi rỏ về sau dù đã hoàn thành việc thanh toán và chuyển nhượng.

Ngoài hai thương vụ đình đám cách đây nhiều năm, Facebook cũng công bố nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập trong năm 2020.