Tình hình dịch bệnh ngày 10/4: Mỹ phủ nhận thổi phồng số ca tử vong vì Covid-19

Thứ sáu, 10/04/2020, 13:49 PM

Nhà Trắng cho rằng cáo buộc Mỹ thổi phồng số người chết vì Covid-19 chỉ là "thuyết âm mưu". Trong khi đó, một số nước châu Âu kiểm soát dịch tốt đang chuẩn bị quay lại cuộc sống bình thường.

Tình hình dịch bệnh ngày 10/4: Mỹ gọi thông tin nước này thổi phồng số ca tử vong vì Covid-19 là

Tình hình dịch bệnh ngày 10/4: Mỹ gọi thông tin nước này thổi phồng số ca tử vong vì Covid-19 là "thuyết âm mưu".

Tình hình dịch bệnh ngày 10/4: Hơn 1,6 triệu ca nhiễm toàn cầu

Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.601.018, bao gồm 354.972 ca phục hồi và 95.718 ca tử vong, theo số liệu thống kê mới nhất do Đại học Johns Hopkins thu thập.

Top 10 nước có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới theo thứ tự gồm: Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp, Trung Quốc, Iran, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ.

Mỹ vẫn có số ca mắc cao nhất trên thế giới, với 465.750 ca. Trong số đó có 25.960 ca phục hồi và 16.684 ca tử vong. Tiểu bang New York đã chứng kiến sự gia tăng lớn nhất trong một ngày về số người chết vì Covid-19, với 799 ca tử vong mới, nâng tổng số lên tới 7.067.

Tây Ban Nha có tổng cộng 152.446 ca nhiễm, bao gồm 52.165 ca phục hồi và 15.238 ca tử vong.

Italy đã xác nhận 143.626 ca nhiễm trong đó có 18.279 người chết và 28.470 người phục hồi. Nước này đang có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới và tỷ lệ tử vong hơn 12,6%, cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ tử vong toàn cầu.

Số ca nhiễm ở Pháp và Đức gần tương đương nhau, lần lượt là 117.749 và 118.235 nhưng số ca tử vong ở Pháp gấp gần 5 lần ở Đức, lần lượt là 12.210 và 2.607 ca.

Trung Quốc có 81.865 ca nhiễm, 3.335 ca tử vong, tăng lần lượt 63 ca và 2 ca so với ngày hôm trước.

Iran có 66.220 ca nhiễm, 4.110 ca tử vong.

Anh ghi nhận 65.077 ca nhiễm, 7.978 ca tử vong, tăng lần lượt 4.344 và 881 ca. Tình trạng của Thủ tướng Anh Boris Johnson tốt lên. Ông đã không còn phải điều trị tích cực.

Tại Đông Nam Á, Malaysia vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 4.228 ca nhiễm, tăng 109 ca và 67 ca tử vong, tăng 2 ca so với ngày hôm trước.

Tiếp đó, Philippines có 4.076 người nhiễm và 203 người tử vong, nhiều hơn 206 và 21 ca so với ngày hôm trước.

Indonesia có số ca nhiễm 3.292 ca, trong đó có 280 ca tử vong, cao nhất Đông Nam Á và thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc đại lục.

Tình hình dịch bệnh ngày 10/4: Mỹ phủ nhận thổi phồng số người chết vì Covid-19

Ủy viên đội ngũ ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, Anthony Fauci, cho rằng thông tin Mỹ thổi phồng số ca tử vong vì Covid-19 là không đúng sự thật.

"Hoàn toàn không có bằng chứng cho cáo buộc đó. Tôi nghĩ đó là một trong các dạng thuyết âm mưu mà chúng ta thường nghe. Bất cứ khi nào chúng ta đối mặt với khủng hoảng, luôn xuất hiện các thuyết âm mưu", ông Anthony Fauci, hiện cũng là Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho hay.

Số người chết vì Covid-19 tại Mỹ được báo cáo tăng hai lần trong tuần qua, hiện đã lên tới 16.691. Trong đó, New York vẫn là bang có số ca nhiễm và ca tử vong cao nhất đất nước.

Tuy nhiên, một số người có ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền thông lại cho rằng số liệu tử vong chính thức vì Covid-19 đã bị thổi phồng vì mục đích chính trị, cụ thể là gây bất lợi cho ông Trump, bằng cách đưa những người tử vong vì nguyên nhân khác vào thống kê.

Trong số những người nghi ngờcó nhà báo Brit Hume của Fox News. Hume viết lên Twitter rằng số người chết ở New York "bị thổi phồng". Thậm chí ông phát biểu trên truyền hình rằng bất cứ ai nhiễm Covid-19 khi qua đời đều được tính vào danh sách ca tử vong, dù không chắc họ có chết vì bệnh này hay không.

Tình hình dịch bệnh ngày 10/4: Nhiều nước châu Âu bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường

Áo, Đạn Mạch, Czech dường như đã bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường sau khi có những biện pháp kịp thời và nhanh chóng để kiểm soát dịch bệnh.

Khi Áo ban hành lệnh phong tỏa hồi giữa tháng Ba, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này cứ ba ngày lại tăng gấp đôi. Hiện tại, số ca nhiễm mới đang giảm dần từng ngày và thời gian để tổng số bệnh nhân tăng gấp đôi lên tới 2,5 tuần.

Đan Mạch và Czech cũng có tín hiệu đáng mừng tương tự. Cả ba nước đang dần nới lỏng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã được áp dụng gần một tháng qua.

Áo cho doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại. Đan Mạch sắp chấm dứt lệnh yêu cầu trường mầm non và tiểu học đóng cửa. Czech chuẩn bị  gỡ lệnh cấm di chuyển.

Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn đang có dịch bệnh lan tràn vẫn chưa xác định thời điểm dỡ các biện pháp nghiêm ngặt.

Ủy ban châu Âu cũng từ bỏ kế hoạch vạch ra lộ trình chấm dứt những biện pháp hạn chế, sau khi một số nước cảnh báo động thái như vậy sẽ gửi đi thông điệp nguy hiểm khi hàng triệu người cần phải ở nhà để ngăn dịch.

Bài liên quan