Tỉnh Ninh Bình muốn được mở sân bay giữa lúc nhiều sân bay đang 'ế' khách

Thứ bảy, 23/01/2021, 14:01 PM

Việc tỉnh Ninh Bình vừa đề xuất bổ xây sân bay khiến nhiều người lo ngại việc mỗi tỉnh đua nhau xây dựng một sân bay trong khi việc khai thác không hiệu quả.

Ninh Bình muốn được mở sân bay. (Ảnh minh họa).

Ninh Bình muốn được mở sân bay. (Ảnh minh họa).

Ninh Bình muốn được mở sân bay

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung một vị trí cảng hàng không tại Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, vị trí sân bay có thể tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GTVT và các ngành, địa phương liên quan phối hợp với tư vấn xác định vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch.

Ninh Bình là cực Nam vùng đồng bằng Bắc bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng, tiêu biểu là di tích đặc biệt cố đô Hoa Lư, Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, quần thể danh thắng Tràng An.

Hàng năm, tỉnh thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới. Năm 2019, Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách.

Ninh Bình quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón từ 8,0 đến 9,0 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.

Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai quy hoạch, đầu tư một số dự án du lịch lớn, tầm cỡ quốc tế như dự án Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, Khu du lịch hồ Đồng Thái, hoàn thiện trung tâm liên hợp thể thao sân golf 54 lỗ Hồ Yên Thắng..., ông Ngọc nói: Cùng với phát triển du lịch, Ninh Bình cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử (trong đó Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công đang hoạt động là một trong 3 nhà máy lắp ráp ô tô lớn nhất của Việt Nam), tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài.

Cũng từ đây, số lượng người nước ngoài đến tỉnh công tác, làm việc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Trong khi đó, hiện nay, các khách du lịch nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Mạng lưới giao thông tỉnh chưa có phương thức vận tải tốc độ cao.

Việc di chuyển qua đường bộ, đường sắt hay trung chuyển qua sân bay của các tỉnh thành lân cận làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ hiện đang quá tải, làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của du lịch Ninh Bình nói riêng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung...

Tình trạng ế sân bay...

Theo tìm hiểu, Ninh Bình gần với hai sân bay là sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa).Trong đó, sân bay Nội Bài cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 120 km và sân bay Thọ Xuân cách thành phố Ninh Bình khoảng hơn 90 km.

Vì Ninh Bình chưa có sân bay nên hiện nay các bạn ở xa đặc biệt là ở khu vực miền Nam nếu muốn đi du lịch Ninh Bình bằng máy bay thì chỉ có thể bay từ chỗ các bạn đến sân bay Nội Bài hoặc sân bay Thọ Xuân, rồi từ đó đi đến Ninh Bình.

Tuy nhiên, việc nhiều tỉnh muốn xây dựng sân bay đang trở thành chủ đề tranh cãi trong dư luận. Vừa mới gần đây, việc Hà Nội muốn xây dựng sân bay Ứng Hòa đã khiến giới chuyên gia có nhiều ý kiến.

Trong một thống kê trên báo Lao Động đưa ra số liệu đáng báo động về tình trạng mỗi tỉnh xây một sân bay. 

Năm 2017, khi An Giang đề xuất xây sân bay, người ta nhìn ngay sang sân bay Cần Thơ, chỉ cách đó 60km, và đang “ế khách” trầm trọng. Năm ngoái, khi Hà Tĩnh đề xuất xây sân bay các chuyên gia ngay lập tức nhìn thấy khoảng cách 58km từ TP Hà Tĩnh đến sân bay Vinh...

Báo này dẫn lời ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, phải cân nhắc kỹ. Một bên là dự án chiếm tới 60% tổng mức đầu tư vào lĩnh vực hàng không. Một đằng là 60 xã ở 9 tỉnh, thành (Tây Nam Bộ) chưa có đường ôtô vào tận nơi.

Vậy chúng ta sẽ lại chấp nhận ném tiếp hàng ngàn tỉ chỉ vì địa phương muốn có bằng được một cái sân bay bất kể hiệu quả ra sao?

Theo một số chuyên gia, việc xây dựng sân bay ở nhiều tỉnh hiện nay là lãng phí bởi cường độ khai thác và nhu cầu đi lại là không nhiều. Hơn nữa, bất cập từ việc quãng đường đi và quỹ đất lớn là điều cần cân nhắc.