Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là gì?

Thứ sáu, 31/01/2020, 12:18 PM

Sáng sớm ngày 31/1 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với virus corona (2019-nCOV). Vậy, hiểu tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu như thế nào cho đúng?

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp khẩn ngày 30/1, tuyên bố dịch viêm phổi do nCoV là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế. Ảnh: WHO.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp khẩn ngày 30/1, tuyên bố dịch viêm phổi do nCoV là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế. Ảnh: WHO.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp khẩn ngày 30/1, tuyên bố dịch viêm phổi do nCoV là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế. Ảnh: WHO.

Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được hiểu chính xác là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC). PHEIC được WHO ban bố khi có cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. 

PHEIC được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa như một "sự kiện bất thường", "tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cho các quốc gia thông qua sự lây lan của bệnh tật quốc tế", yêu cầu các "phản ứng phối hợp" từ nhiều quốc gia. 

Trên lý thuyết, PHEIC không mang tính pháp lý, WHO vẫn có quyền đưa ra khuyến cáo đối với các hoạt động có thể làm lây lan bệnh dịch nhanh chóng như hạn chế du lịch, giao thương. 

Theo New York Times, tuyên bố của WHO là lời cảnh báo từ cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu thế giới đến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về tình hình nghiêm trọng hiện nay. Theo đó, các nước sẽ tự đưa ra quyết định có nên đóng cửa biên giới, hủy chuyến bay, sàng lọc hành khách tại sân bay hoặc thực hiện những biện pháp bảo vệ khác.

Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng tăng thêm tính cấp bách cho bất kỳ đề nghị hỗ trợ kinh phí nào của WHO. Cho đến nay, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất - Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam - vẫn đủ khả năng tự chi trả cho cuộc chiến chống lại virus corona.

Trong đợt dịch Ebola tại Tây Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo đã phải viện đến số lượng lớn kinh phí hỗ trợ để chống bệnh dịch bùng phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế.

Tuần trước, tại WHO có hai luồng ý kiến trái chiều. Tổng giám đốc của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng tuyên bố tình trạng khẩn cấp luôn là một quyết định khó khăn, vì đóng cửa biên giới và hủy nhiều chuyến bay có thể làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người khỏe mạnh gần điểm khởi phát dịch bệnh và khiến kinh tế trì trệ.

Trong trường hợp xấu nhất, nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc men có thể cạn kiệt, gây ra làn sóng hoảng loạn lan rộng, thậm chí còn có hậu quả lớn hơn chính dịch bệnh.

WHO ủng hộ những biện pháp mạnh mẽ mà Trung Quốc đang áp dụng để đối phó với virus corona. Nước này đã phong tỏa toàn tỉnh Hồ Bắc một cách hiệu quả giữa cao điểm của kỳ nghỉ năm mới. Tổng giám đốc WHO Tedros cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo chính sách "phản ứng phi thường trên cả nước". Ông "rất ấn tượng trước quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc" và những hiểu biết của cá nhân ông Tập về sự bùng phát dịch bệnh.

Trước đây trong lịch sử, WHO mới chỉ 5 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế, bao gồm các trường hợp: đối phó với dịch cúm năm 2009, bệnh bại liệt bùng phát trở lại vào năm 2014, dịch Ebola ở Tây Phi cùng năm 2014, dịch virus Zika năm 2016 và dịch Ebola bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2019.