Toàn cảnh tranh cãi 'nảy lửa' về dự thảo tiêu chuẩn nước mắm

Thứ bảy, 09/03/2019, 19:02 PM

Cơ quan soạn thảo cho rằng xây dựng tiêu chuẩn nước mắm nhưng không cần áp dụng, còn các hiệp hội nước mắm lo ngại yêu cầu tiêu chuẩn sẽ “giết chết” nước mắm truyền thống.

toan-canh-tranh-cai-nay-lua-ve-du-thao-tieu-chuan-nuoc-mam
Cơ quan soạn thảo cho rằng xây dựng tiêu chuẩn nước mắm nhưng không cần áp dụng, còn các hiệp hội nước mắm lo ngại yêu cầu tiêu chuẩn sẽ “giết chết” nước mắm truyền thống. Ảnh minh họa

Tại sao phải có tiêu chuẩn nước mắm?

Chiều muộn 8/3, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (thuộc Bộ NN-PTNT), cơ quan đã soạn ra Dự thảo TCVN - 12607:2019 đối với nước mắm, đã tổ chức cuộc họp giới hạn với một số báo để "phân minh" về dự thảo tiêu chuẩn nước mắm đã gây phản ứng trong dư luận vài ngày qua.

Trong thời gian qua, báo chí cũng như dư luận xã hội liên tục phản ứng gay gắt về dự thảo TCVN - 12607:2019 do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản chủ trì xây dựng, vì cho rằng các nội dung có tính “tiêu chuẩn” nêu trong dự thảo có thể trói buộc, bóp chết nước mắm truyền thống.

Trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc cho rằng, những chính sách, quy định mà các cơ quan chức năng liên tục đưa ra trong thời gian qua, mục đích là để thắt chặt nước mắm truyền thống, tạo điều kiện về thị phần, thị trường cho nước mắm công nghiệp, có lợi cho các tập đoàn sản xuất nước mắm, nước chấm công nghiệp.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phát triển thị trường thuỷ sản - Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng cần phân biệt giữa khái niệm “tiêu chuẩn” và “quy chuẩn”.

Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì tiêu chuẩn là đưa ra khuyến nghị tự nguyện không bắt buộc, còn quy chuẩn là bắt buộc phải áp dụng.

toan-canh-tranh-cai-nay-lua-ve-du-thao-tieu-chuan-nuoc-mam
Tại sao phải có tiêu chuẩn nước mắm? Ảnh minh họa

Thông điệp đưa ra tiêu chuẩn xuất phát từ đòi hỏi yêu cầu thực tiễn, cần quan tâm kiểm soát, bất kể quy mô thế nào cũng cần tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá, nâng cao nhận thức, uy tín chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là yêu cầu chính đáng và xu thế tất yếu của người tiêu dùng.

Còn ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế thì cho rằng đây là quy phạm hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, dành chung cho nước mắm Việt Nam để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Sau khi dẫn chứng rằng hiện nay thực trạng thị trường cá và hải sản (nguyên liệu để làm nước mắm) đã thay đổi, tình trạng tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển, cá có thể nhiễm độc, rồi dụng cụ chứa đựng, chum sành có an toàn không… ông Đáng cho rằng, cần thiết ban hành, ban hành sớm tiêu chuẩn cho nước mắm và đề nghị đưa ra quy định chung về chức năng, điều kiện, áp dụng cho tất cả cơ sở sản xuất nước mắm vì sức khoẻ người tiêu dùng, “không nhằm riêng vào cái gì cả, gây mất đoàn kết trong ngành chế biến nước mắm”.

Ông Đáng cho rằng, trên thế giới không có phân định nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp mà trên thị trường Việt Nam đều tự xưng, tự nhận. “Ở trên thế giới không có sự phân loại thì tại sao lại cứ dựa vào đó để phân định”- nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra lý lẽ.

Quy định gây khó trong dự thảo tiêu chuẩn nước mắm

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Nước mắm Hạnh Phúc, cho rằng dự thảo tiêu chuẩn này đánh đồng giữa sản xuất nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Để sản xuất nước mắm truyền thống cần có quy trình hẳn hoi từ khai thác nguồn nguyên liệu đến ủ chượp, chưng cất, đóng chai đến tay người tiêu dùng.

Trong khi nước mắm công nghiệp chỉ là một công đoạn cuối trong quy trình sản xuất nước mắm. Thế nhưng đến khi ra thành phẩm thì lại không phân định rõ ràng hai loại sản phẩm này.

Từ phân tích trên, theo ông Hùng, nếu tiêu chuẩn TCVN-12607:2019 không phân định rõ quy trình sản xuất đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp, thậm chí nước mắm pha chế thì sẽ lập lờ khiến người tiêu dùng không hiểu. Do đó cần phải phân biệt rạch ròi.

toan-canh-tranh-cai-nay-lua-ve-du-thao-tieu-chuan-nuoc-mam
Quy định dự thảo gây khó cho nước mắm truyền thống? 

Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, nêu quan điểm: Dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đưa ra yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… trong khi nguyên liệu làm Nnước mắm truyền thống là cá biển chứ không phải cá nước ngọt. Điều này cũng đồng nghĩa quy định này buộc nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải tốn tiền xét nghiệm các chỉ tiêu không có nguy cơ tồn dư trong nước mắm. Đây là điều rất vô lý.

Nhiều cơ sở chế biến nước mắm cũng phản ánh quy định của dự thảo đưa ra là không phù hợp thực tế. Ví dụ việc phải bổ sung thêm các chỉ tiêu cần kiểm soát như kháng sinh, thuốc thú y… là không cần thiết.

“Kêu cứu” gửi lên Chính phủ

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết Thái Lan đã hỗ trợ các hộ, doanh nghiệp nhỏ phát triển sản phẩm rất tốt. Trong khi dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 được xây dựng lại ảnh hưởng có hại cho nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Triều Anh, Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng, đặt vấn đề: “Nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn ở đây như thế nào, cần cho chúng tôi biết ai ở Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản soạn thảo? Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam này với mục đích gì, phục vụ ai? Tại sao không lấy ý kiến của các hội nước mắm địa phương?”.

Ông Triều Anh cũng cho rằng tài liệu tham khảo không cập nhật văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ví dụ như việc ghi nhãn hay các chỉ tiêu đưa ra không phù hợp. Do đó cần tạm dừng việc xem xét ban hành để lấy thêm ý kiến.

toan-canh-tranh-cai-nay-lua-ve-du-thao-tieu-chuan-nuoc-mam

Một loạt đại diện nước măm truyền thống như Câu lạc bộ nước mắm truyền thống Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc… đã có văn bản kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bộ trưởng Bộ KH&CN về việc xây dựng dự thảo TCVN-12607:2019 quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Văn bản nêu rõ sau khi tiến hành hội thảo để góp ý kiến cho dự thảo trên, đại diện các bên nhận thấy: Xu thế xây dựng TCVN, quy chuẩn cho nước mắm và cơ sở sản xuất nước mắm đang thiên về cổ súy cho sự phát triển nước mắm pha chế - Nước mắm công nghiệp. Đi cùng với nó là tạo ra rào cản kỹ thuật để triệt tiêu nghề sản xuất nước mắm truyền thống, không làm rõ sự khác biệt giữa quy trình và điều kiện sản xuất nước mắm thật hay còn gọi nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp.

Lo lắng cho sự sống còn của nghề nước mắm truyền thống, các hiệp hội, doanh nghiệp nhất trí cùng nhau kiến nghị: Thứ nhất, tạm thời dừng việc ban hành TCVN-12607:2019 quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Thứ hai, tổ chức hội thảo, mời đại diện các nhà sản xuất nước mắm ở cả nước và các chuyên gia chuyên sâu về nước mắm, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tham dự để góp ý kiến xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam này.

Văn bản này cũng đề nghị các bộ chỉ đạo việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho nước mắm hay còn gọi là nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế quy mô công nghiệp, không để chung một văn bản như hiện nay...

 

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng: Người ăn thịt lợn bị dịch tả lợn châu Phi có bị lây bệnh?

Khi bị tả, sức đề kháng của lợn kém đi, rất dễ mắc những bệnh lây nhiễm khác. Người ăn thịt lợn bị dịch tả lợn châu Phi có bị lây bệnh?

 

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng: Mách bà nội trợ cách chọn thịt lợn không nhiễm bệnh

Hơn cả tấn thịt heo long móng, trên thịt có mụn nước, xuất huyết được đưa vào tiêu thụ tại TP HCM khiến người dân lo lắng.

 

Vì sao hoa nhập khẩu đắt đỏ khách vẫn 'móc hầu bao'?

Thị trường hoa nhập khẩu phục vụ nhu cầu dịp lễ Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay không có loài hoa nào mới. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại một vài cửa hàng đã ngừng nhận đơn khách do quá tải.