Toàn văn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Thứ hai, 26/02/2018, 13:45 PM

Mới đây, Bộ Công thương đã công bố Toàn văn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

toan-van-hiep-dinh-doi-tac-toan-dien-va-tien-bo-xuyen-thai-binh-duong-cptpp
Hiệp định CPTPP là một Hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Sau khi Hoa Kỳ thông báo chính thức rút khỏi Hiệp định TPP vào ngày 30/01/2017, tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Đà Nẵng trong các ngày 8,9 và 10 tháng 11 năm 2017 để thảo luận việc sớm đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thực thi trong tình hình mới. 

Trên cơ sở kết quả trao đổi giữa các nước từ sau cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước TPP tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2017, các Bộ trưởng đã đồng ý với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);

Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Dự kiến, Hiệp định sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia. Với Việt Nam, chúng ta cũng trông đợi ở Hiệp định này các khía cạnh như:

+ Về chính trị - đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

+ Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Ca-na-đa, Mê-hi-cô cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Phần quan trọng khác chính là việc giúp ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.

+ Hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

toan-van-hiep-dinh-doi-tac-toan-dien-va-tien-bo-xuyen-thai-binh-duong-cptpp
Cùng với các nước, Việt Nam cũng đã công bố lời văn tiếng Việt của Hiệp định Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Đến ngày 21/2/2018, các nước đã công bố lời văn tiếng Anh của Hiệp định CPTPP.  Cùng với các nước, Việt Nam cũng đã công bố lời văn tiếng Việt của Hiệp định Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, cụ thể như sau:

KHẲNG ĐỊNH LẠI các vấn đề đã được thể hiện trong lời mở đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được ký tại Auckland ngày 4 tháng 02 năm 2016 (sau đây gọi là “Hiệp định TPP”);

HIỆN THỰC HÓA nhanh chóng các lợi ích của Hiệp định TPP thông qua Hiệp định này và tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của các lợi ích đó;

ĐÓNG GÓP nhằm duy trì mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại thế giới và tạo ra những cơ hội kinh tế mới cho người dân thuộc mọi mức thu nhập và hoàn cảnh kinh tế;

THÚC ĐẨY hơn nữa hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực giữa các Bên;

TĂNG CƯỜNG cơ hội thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực;

KHẲNG ĐỊNH LẠI tầm quan trọng của việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bản sắc và sự đa dạng văn hóa, bảo vệ và bảo tồn môi trường, bình đẳng giới, quyền lợi của người bản địa, quyền lao động, thương mại, phát triển bền vững, tri thức truyền thống, cũng như tầm quan trọng của việc bảo lưu quyền quản lý của mình vì các lợi ích công cộng;

HOAN NGHÊNH các quốc gia hoặc các lãnh thổ hải quan riêng biệt tham gia Hiệp định này;

ĐÃ NHẤT TRÍ như sau:

Điều 1: Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

1. Các Bên theo đây nhất trí rằng, theo các điều khoản của Hiệp định này, các điều khoản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được ký tại Aukland ngày 04 tháng 02 năm 2016 (“Hiệp định TPP”) được tích hợp, bằng cách tham chiếu, vào thành một phần của Hiệp định này với những sửa đổi phù hợp, ngoại trừ Điều 30.4 (Gia nhập), Điều 30.5 (Hiệu lực), Điều 30.6 (Rút khỏi) và Điều 30.8 (Lời văn xác thực).[1]

2. Vì mục đích của Hiệp định này, các dẫn chiếu tới ngày ký trong Hiệp định TPP được hiểu là ngày ký Hiệp định này.

3. Trong trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào giữa Hiệp định này với Hiệp định TPP thì khi Hiệp định TPP có hiệu lực, Hiệp định này sẽ được ưu tiên áp dụng ở mức độ khác biệt đó.

Điều 2: Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản

Tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực, các Bên sẽ tạm đình chỉ thực hiện các điều khoản quy định tại Phụ lục của Hiệp định, cho đến khi các Bên đồng ý kết thúc việc tạm đình chỉ thực hiện một hay nhiều hơn các điều khoản đó[2].

Điều 3: Hiệu lực

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất sáu nước ký kết hoặc ít nhất 50 phần trăm số nước ký kết của Hiệp định, tùy trường hợp nào cho giá trị nhỏ hơn, thông báo cho Cơ quan lưu chiểu bằng văn bản rằng họ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của mình.

2. Đối với bất kỳ nước ký kết nào của Hiệp định này mà với nước đó Hiệp định chưa có hiệu lực theo khoản 1, Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nước ký kết đó thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu rằng họ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của mình.

Điều 4: Rút khỏi Hiệp định

1. Bất kỳ Bên nào đều có thể rút khỏi Hiệp định này bằng cách gửi thông báo bằng văn bản tới Cơ quan lưu chiểu. Bên rút khỏi Hiệp định sẽ đồng thời thông báo cho các Bên khác về việc rút khỏi Hiệp định thông qua các đầu mối chung được chỉ định tại Điều 27.5 (Đầu mối liên lạc) của Hiệp định TPP.

2. Việc rút khỏi Hiệp định sẽ có hiệu lực sau sáu tháng kể từ khi một Bên gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu theo khoản 1, trừ khi các Bên đồng ý về một khoảng thời gian khác. Nếu một Bên rút khỏi Hiệp định, Hiệp định này vẫn có hiệu lực với các Bên còn lại.

Điều 5: Gia nhập

Kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, bất kỳ một quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt nào đều có thể gia nhập vào Hiệp định này, theo các điều khoản và điều kiện được thống nhất giữa các Bên của Hiệp định với quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt đó.

Điều 6: Rà soát Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Bên cạnh Điều 27.2 của Hiệp định TPP (Các chức năng của Ủy ban), nếu việc có hiệu lực của Hiệp định TPP sắp xảy ra hoặc nếu Hiệp định TPP có xu hướng không thể có hiệu lực, các Bên, theo yêu cầu của một Bên, sẽ rà soát việc vận hành của Hiệp định này nhằm xem xét bất kỳ sự sửa đổi nào đối với Hiệp định này và các vấn đề có liên quan.

Điều7: Các lời văn xác thực

Các lời văn bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp của Hiệp định này có giá trị xác thực như nhau. Trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự không thống nhất nào giữa các lời văn này, lời văn tiếng Anh sẽ được ưu tiên áp dụng.

Để làm chứng những người ký tên dưới đây, được ủy quyền chính thức bởi Chính phủ tương ứng của mình, đã ký Hiệp định này.

PHỤ LỤC[3]

1. Chương 5 (Quản lý Hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại)

Điều 5.7 (Hàng chuyển phát nhanh) – khoản 1 – điểm (f): câu thứ hai

2. Chương 9 (Đầu tư)

(a) Điều 9.1 (Định nghĩa)

(i) định nghĩa thỏa thuận đầu tư bao gồm cả các chú thích từ 5 đến 9;

(ii) định nghĩa chấp thuận đầu tư bao gồm các chú thích 10 và 11;

(b) Điều 9.19 (Trình Khiếu kiện ra Trọng tài)

(i) khoản 1:

(A) điểm (a)(i)(B) bao gồm chú thích 31;

(B) điểm (a)(i)(C);

(C) điểm (b)(i)(B);

(D) điểm(b)(i)(C);

(E) đoạn cuối “với điều kiện nguyên đơn có thể trình theo điểm (a)(i)(C) hoặc (b)(i)(C) khiếu kiện về việc vi phạm thỏa thuận đầu tư chỉ khi vấn đề khiếu kiện và thiệt hại yêu cầu bồi thường liên quan trực tiếp đến đầu tư theo Hiệp định này được thành lập hoặc mua lại, hoặc được yêu cầu thành lập hoặc mua lại trên cơ sở thỏa thuận đầu tư liên quan”.

(ii) khoản 2: toàn bộ khoản này bao gồm chú thích 32;

(iii) khoản 3 – điểm (b): cụm “chấp thuận đầu tư hoặc thỏa thuận đầu tư”;

(c) Điều 9.22 (Lựa chọn Trọng tài): khoản 5;

(d) Điều 9.25 (Luật Áp dụng): khoản 2 bao gồm chú thích 35;

(e) Phụ lục 9-L (Thỏa thuận Đầu tư): toàn bộ Phụ lục này

3. Chương 10 (Thương mại Dịch vụ xuyên Biên giới)

Phụ lục 10-B (Dịch vụ Chuyển phát nhanh):

(a) khoản 5 bao gồm chú thích 13;

(b) khoản 6 bao gồm chú thích 14

4. Chương 11 (Dịch vụ Tài chính)

(a) Điều 11.2 (Phạm vi điều chỉnh) – khoản 2 – điểm (b): cụm “Điều 9.6 (Tiêu chuẩn Đối xử Tối thiểu)” bao gồm chú thích 3;

(b) Phụ lục 11-E: toàn bộ Phụ lục này

5. Chương 13 (Viễn thông)

Điều 13.21(Giải quyết Tranh chấp Viễn thông) – khoản 1: điểm (d) bao gồm tiêu đề “Xem xét lại” và chú thích 22

6. Chương 15 (Mua sắm Chính phủ)

(a) Điều 15.8 (Điều kiện Tham dự thầu): khoản 5 bao gồm chú thích 1;

(b) Điều 15.24 (Đàm phán trong Tương lai) – khoản 2: cụm “Không muộn hơn ba năm kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định”[4]

7. Chương 18 (Sở hữu trí tuệ)

(a) Điều 18.8 (Đối xử Quốc gia): hai câu cuối của chú thích 4;

(b) Điều 18.37 (Đối tượng có thể được Cấp bằng Độc quyền Sáng chế):

(i) khoản 2: toàn bộ khoản này;

(ii) khoản 4: câu cuối cùng;

(c) Điều 18.46 (Điều chỉnh Thời hạn Bằng sáng chế do sự chậm trễ không lý do của Cơ quan cấp Bằng sáng chế): toàn bộ Điều này bao gồm chú thích 36 đến 39;

(d) Điều 18.48 (Điều chỉnh Thời hạn Bảo hộ Sáng chế do bị rút ngắn bất hợp lý): toàn bộ Điều này bao gồm các chú thích từ 45 đến 48;

(e) Điều 18.50 (Bảo hộ Dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc Dữ liệu bí mật khác): toàn bộ Điều này bao gồm chú thích 50 đến 57;

(f) Điều 18.51 (Sinh phẩm): toàn bộ Điều này bao gồm chú thích 58 đến 60;

(g) Điều 18.63 (Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan): toàn bộ Điều này bao gồm chú thích từ 74 đến 77;

(h) Điều 18.68 (Các biện pháp Công nghệ Bảo vệ Quyền (TPMs)): toàn bộ Điều này bao gồm chú thích 82 đến 95;

(i) Điều 18.69 (Thông tin Quản lý Quyền (RMI)): toàn bộ Điều này bao gồm chú thích 96 đến 99;

(j) Điều 18.79 (Bảo hộ Tín hiệu cáp và Tín hiệu vệ tinh mang chương trình được Mã hoá): toàn bộ Điều này bao gồm chú thích 139 đến 146;

(k) Điều 18.82 (Chế tài pháp lý và Khu vực an toàn): toàn bộ Điều này bao gồm chú thích từ 149 đến 159;

(l) Phụ lục 18-E (Phụ lục của Mục J): toàn bộ Phụ lục này;

(m) Phụ lục 18-F (Phụ lục của Mục J): toàn bộ Phụ lục này

8. Chương 20 (Môi trường)

Điều 20.17 (Bảo tồn và Thương mại) – khoản 5: cụm “hoặc một luật áp dụng khác” bao gồm chú thích 26

9. Chương 26 (Minh bạch hóa và Chống tham nhũng)

Phụ lục 26-A (Minh bạch hóa và Công bằng thủ tục cho các Sản phẩm Dược phẩm và Thiết bị Y tế): Điều 3 (Công bằng về Thủ tục) bao gồm chú thích 11 đến 16

10. Phụ lục II

Biểu cam kết của Bru-nây Đa-rút-xa-lam – 14 – khoản 3: cụm “sau khi ký Hiệp định này”[5]

11. Phụ lục IV

Biểu cam kết của Ma-lai-xi-a – 3 và 4 – Phạm vi của Các biện pháp không phù hợp (sau đây gọi là “Phạm vi”): tất cả dẫn chiếu tới cụm “sau khi ký Hiệp định này”[6].

[1] Để chắc chắn hơn, không điều khoản nào trong Hiệp định này sẽ dành bất kỳ quyền nào cho một Bên không phải là Thành viên của Hiệp định.[2] Để chắc chắn hơn, bất kỳ thỏa thuận nào của các Bên trong việc kết thúc tạm đình chỉ thực hiện sẽ chỉ áp dụng đối với một Bên khi Bên đó đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết.[3]Để dễ hiểu Phụ lục này, các Bên đã sử dụng dấu hai chấm để diễn tả một hoặc các phần nội dung cụ thể của một điểu khoản được tạm đình chỉ.[4]Các Bên thống nhất rằng các đàm phán được quy định tại khoản 2 Điều 15.24 (Đàm phán trong Tương lai) sẽ được tiến hành không sớm hơn năm năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, trừ khi các Bên thống nhất khác. Các đàm phán đó sẽ được tiến hành theo yêu cầu của một Bên.

[5]Như là kết quả của việc tạm đình chỉ, các Bên thống nhất rằng cụm “sau khi ký Hiệp định này” sẽ được hiểu là sau khi Hiệp định này có hiệu lực đối với Bru-nây Đa-rút-xa-lam. Do đó, các Bên hiểu rằng việc dẫn tới cụm “Bất kỳ biện pháp không phù hợp nào đã áp dụng hoặc duy trì” trong khoản này sẽ có nghĩa là bất kỳ các biện pháp không phù hợp đã được áp dụng hoăc duy trì sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này đối với Bru-nây Đa-rút-xa-lam.

[6]Như là kết quả của việc tạm đình chỉ, các Bên thống nhất rằng cụm “sau khi ký Hiệp định này” sẽ được hiểu là sau khi Hiệp định này có hiệu lực đối với Ma-lai-xi-a. Do đó, các Bên hiểu rằng việc dẫn chiếu trong Phạm vi tới:(a) “năm thứ nhất” sẽ có nghĩa là giai đoạn một năm thứ nhất;(b) “các năm thứ hai và thứ ba” sẽ có nghĩa là các giai đoạn một năm thứ hai và thứ ba;(c) “năm thứ tư” sẽ có nghĩa là giai đoạn một năm thứ tư;(d) “năm thứ năm” sẽ có nghĩa là giai đoạn một năm thứ năm; và(e) “năm thứ sáu” sẽ có nghĩa là giai đoạn một năm thứ sáu,tính từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này đối với Ma-lai-xi-a.

Hiệp định CPTPP là gì?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và TPP-11 sau khi Mỹ rút lui, đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong buổi họp báo công bố kết quả đàm phán TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo APEC trưa ngày 11/11, Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản đã giải thích một số thay đổi của TPP-11 để trở thành CPTPP.

Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi giải thích, trước đây là TPP với đầy đủ 12 thành viên, và sau khi Mỹ rút khỏi đã được tạm gọi là TPP-11. Tuy nhiên, sau nhiều vòng đàm phán trong năm nay, các Bộ trưởng đã đi đến thống nhất đặt tên gọi mới cho hiệp định này là CPTPP.

"Chúng tôi đã thảo luận nhiều về vấn đề tên gọi. Câu chuyện ở đây không chỉ thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ, và nhiều vấn đề, nguyên tắc khác”, ông Toshimitsu Motegi nói.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhất trí với Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng: “Đây không chỉ đơn giản là sự khác biệt giữa 11 thành viên và 12 thành viên như ban đầu. Vấn đề ở đây là chúng tôi đã đạt được sự thống nhất tuyệt đối rằng 11 thành viên phải duy trì một hiệp định với các tiêu chuẩn cao, một hiệp định toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ là thị trường, cải cách thương mại… Vì lý do này, trong tình hình mới, các thành viên còn lại đã quyết tâm đi đến hết con đường và cả 11 Bộ trưởng đều đồng thuận rằng tên gọi toàn diện và tiến bộ là phù hợp nhất với chặng đường mới này”.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản, so với 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận TPP, CPTPP có 20 điều khoản tạm hoãn. Việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai.

Bên cạnh đó, theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu. Vì vậy, quy định này của CPTPP đã được thay đổi. Theo đó, chỉ cần ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn thì 60 ngày sau, hiệp định sẽ có hiệu lực.

 

Ông Trump tuyên bố có thể đưa Mỹ trở lại TPP

Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi rút lui vào năm 2017.

 

Trump bất ngờ ra điều kiện ở lại TPP, lý giải thích song phương vì 'có vấn đề thì hủy'

Tổng thống Donald Trump ngày 25/1 thông báo Mỹ sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 nước nếu hiệp định này có thể đạt thỏa thuận tốt hơn những gì đạt được trước đây.

 

Canada tuyên bố sẽ ký kết Hiệp định TPP mới gồm 11 nước

Chính quyền Canada ngày hôm 23/01/2018, đã loan báo việc sẽ ký kết Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, phiên bản mới, đã được 11 nước còn lại điều chỉnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định.