TP Hồ Chí Minh sẽ không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường

Thứ hai, 16/11/2020, 14:13 PM

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM với tỷ lệ tán thành 87,14%. Hai điểm mới quan trọng trong mô hình chính quyền là sẽ không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PV

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PV

Quốc hội quyết nghị, chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh (TP. HCM) là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố và Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố. Chính quyền địa phương ở quận tại Thành phố là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố.

Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này, theo phân cấp của UBND Thành phố, UBND quận, UBND thành phố thuộc Thành phố và theo ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thành phố thuộc Thành phố. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Về HĐND Thành phố, Nghị quyết quy định HĐND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Cùng với đó là giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận. Đồng thời, lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp từ hai phần ba trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Căn cứ vào nghị quyết của HĐND Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của Thành phố, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho UBND quận. Phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND quận; quyết định thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các quận trực thuộc.

TP Hồ Chí Minh sẽ không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường

TP Hồ Chí Minh sẽ không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường

Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận.

Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố thuộc Thành phố và UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc Thành phố.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập thành phố Thủ Đức), TP.HCM sẽ sắp xếp 19 phường thuộc 6 quận. Cùng với đó, thực hiện chủ trương khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính và xuất phát từ yêu cầu thực tế, TP.HCM đã lồng ghép nội dung Đề án thành lập thành phố Thủ Đức (tên tạm gọi) vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (3 quận được tách ra từ huyện Thủ Đức trước đây), thuộc phía Đông TP.HCM. Toàn TP.HCM rộng hơn 2.095km2 với 9 triệu dân thì "thành phố trong thành phố" Thủ Đức rộng hơn 211km2 với hơn 1 triệu dân.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức được UBND TP.HCM đánh giá là mang lại nhiều tác động tích cực: tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; giảm chi phí, ngân sách chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức; tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hạn chế đầu tư dàn trải; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố Thủ Đức phát triển, có khả năng tạo ra những ngành nghề và việc làm mới, tạo thu nhập tốt hơn cho người lao động, đời sống người dân được cải thiện.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. 

Bài liên quan