Trà sư Nhật 'phải lòng' trà tươi ­­Việt

Thứ tư, 06/02/2019, 09:49 AM

Sự tôn kính không phụ thuộc vào không gian sang trọng hay đồ ăn thức uống đắt giá. Khi tự ta có nghi lễ, thì dù là thứ mạt trà quý giá hay một vài lá chè tươi bản xứ đều có thể truyền tải sự tôn nghiêm và kính ngưỡng của mình tới bất cứ ai.

Tôi thực sự bối rối khi nhận lời tiếp phái đoàn thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Trà Đạo Nhật Bản. Bởi phái đoàn đó có những nhân vật đáng kính nhất về Trà Đạo, có những vị trà sư đại diện cho các trà phái, có ngài Chủ tịch Hiệp hội. Sau khi họ thiết đãi nghi lễ Trà Đạo thì tôi sẽ tiếp họ bằng gì?

 À, phải rồi, đó là trà tươi !

Trà sư Nhật
Nữ trà giả thực hiện các nghi thức của trà đạo Nhật Bản.

Cả phái đoàn nghiên cứu Trà Đạo Nhật Bản trên chục người đã tới Hà Nội, họ mang theo đầy đủ vật dụng và trà quý để phục vụ cho nghi lễ Trà Đạo mà họ sẽ bày ra tại quán trà bình dị của tôi trên phố Tông Đản.

Loại mạt trà mà họ mang theo được tinh chế công phu: Thu hái những lá trà với tiêu chuẩn nghiêm ngặt, mang lên núi tuyết, ủ nhiều tháng trời, rồi những cánh trà đã được ủ đó mới lại được đưa về để chế biến thành thức trà hảo hạng.

Một nữ trà giả bước ra, chậm rãi tiến tới nơi đã được bày biện với đầy đủ niêm luật mà nghi lễ yêu cầu. Nước được đựng trong âu thủy tinh màu ngọc bích, rồi đun trên hỏa lò đúc bằng đồng, trong chiếc nồi Tetsubin truyền thống. Một nhành hoa nhỏ được cắm trong chiếc bình gốm Chu Đậu đặt cạnh bàn trà, bánh gạo truyền thống, giấy lót bánh cũng được làm thủ công. Tất cả những chi tiết rất đỗi bình dị, qua đôi bàn tay và tinh thần Nhật đã trở nên nghiêm cẩn và cao khiết.

Từng thìa trà nhỏ được xúc ra từ hộp đựng trà sơn mài, cho vào chiếc bát gốm chế tác thủ công. Những chiếc tiễn trà cao cấp được chế tác bằng những đôi tay của các nghệ nhân với tâm và tư thế như tọa thiền.

Trà giả dùng chiếc tiễn trà đó, nhẹ nhàng khuấy nhanh dần đến khi mạt trà đã tan đều trong nước sôi vừa được múc từ chiếc nồi Tetsubin, một lớp bọt mịn đã hình thành trong bát trà, rồi chiếc bát trà đó sẽ được dâng cho chúng tôi. Họ đã làm xong việc của họ!

Đến phần tôi, mấy chiếc lá chè tươi đã được xếp ngay ngắn trong chiếc đĩa đặt trên bàn. Tôi có thêm một chiếc ấm đồng để đun nước, một chiếc ấm khác để hãm trà, một chiếc âu lớn để tráng rửa trà cụ và đựng nước thức trà.

Ngay ngắn nhặt từng lá trà đặt gọn ghẽ trên đôi bàn tay thô ráp của chính mình. Tôi vò. Chậm rãi và cẩn trọng. Từng lượt vò xong, lá trà được cho vào ấm đồng ngay bên tay phải. Cho tới khi tôi ước tính lượng trà đã đủ cho một ấm, rồi rót nước lạnh tráng qua một lượt, bỏ hết lượt nước đó đi, lại thêm một lượt tráng trà bằng nước sôi (ở quê hương tôi, các cụ gọi như thế là “làm lông trà”), xong cũng rót hết ra, mới đến lượt nước sôi sẽ được dùng để ủ trà. Tôi phải đợi trà ngấu trong 5 phút.

Thông thường, ở quê, một tích chè được ủ lâu hơn, nhưng với tôi, 5 phút là đủ, đủ để trà không quá sống, nhưng chưa mất hoàn toàn vị ngái của lá tươi. Nó vừa có cái thanh mát, tươi mới nhưng cũng có được sự đằm thắm vừa đủ của vị chát dịu từ lá trà đã về già. Trong 5 phút đó, tôi giới thiệu khái quát cho họ về người Việt với thú uống nước chè lá tươi bình dị, với những ngày hội hè quanh chiếc nồi lớn trà tươi, hay những chiếc ống chè đâm của người Thái khi lên nương rẫy. Trà đã ngấu, tôi rót trà thật nhẹ ra những chiếc chén lớn gần bằng chiếc chén tống trong bộ trà Mai Hạc của cụ Nguyễn Du.

Mỗi trà khách nhận chén trà cũng vẫn với cách mà họ nhận bát trà do trà giả dâng cho khi nãy. Họ thưởng thức cũng bằng cách họ thưởng thức mạt trà khi nãy.

Trà sư Nhật
Tác giả pha trà tươi mời khách.

Thưởng thức xong chén trà, các trà khách bàn tán với nhau bằng thứ tiếng mà tôi không hiểu nhưng không có vẻ gì là họ đang khó chịu. Một vài câu chào hỏi, cảm ơn cho đúng với nghi lễ giao tiếp của người Việt, tôi lui về vị trí của mình.

Tiệc trà của cả chủ và khách đến đó cũng hết, tôi đứng lên, có một vị trong đoàn cũng đứng lên, tiến về phía tôi và nói: “Khi nãy tôi thấy anh dùng 15 chiếc lá để pha trà, anh có thể cho tôi xin 15 chiếc lá như vậy để tôi pha mời những người bạn của tôi ở Nhật được không?”. Đây là câu trả lời chân thật nhất, rằng họ hài lòng. Tôi rất đỗi hạnh phúc, và đương nhiên, tôi gói gém cẩn thận gửi tặng vị ấy một bọc lá tươi và chắc chắn là nhiều hơn 15 lá.

Nguyễn Việt Bắc, tốt nghiệp loại ưu ngành kỹ thuật nhiệt, từ chối mọi lời mời làm việc của các doanh nghiệp, mà bước chân vào kinh doanh phần mềm; nhiều năm nay đang nỗ lực làm hồi sinh những giống trà Việt cổ.

 

Du khách đi hàng trăm cây số, lễ đền Bà chúa Kho suốt đêm mùng 1 Tết

Ngay từ đêm mùng 1, tại đền Bà chúa Kho Bắc Ninh đã có đông đảo du khách thập phương đến vãn cảnh, lễ bái.

 

Làm dâu trên đất Thụy Sĩ, nữ Việt kiều 14 năm mang quà Tết về quê hương

Từ Thụy Sĩ, chị Sương Phạm Glauser (54 tuổi, quê Bình Định) đáp chuyến bay về Hà Nội trong một ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019 rồi lặn lội lên Sa Pa để đến với trẻ em ở Tả Giàng Phình.