Trận Việt Nam - Malaysia: Vé 'chợ đen' gấp 5-6 lần

Thứ hai, 07/10/2019, 18:29 PM

Ba ngày trước trận Việt Nam - Malaysia vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra trên SVĐ Mỹ Đình, vé chợ đen đang diễn ra vô cùng sôi động.

tran-viet-nam-malaysia-ve-cho-den-gap-5-6-lan
Ba ngày trước trận Việt Nam - Malaysia vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra trên SVĐ Mỹ Đình, vé chợ đen đang diễn ra vô cùng sôi động. 

Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Malaysia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ diễn ra lúc 20h ngày 10/10 trên SVĐ Mỹ Đình.

Từ ngày 19.9, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã bán vé trận đấu qua mạng với số lượng khoảng 20.000 vé trên tổng số 40.000 chỗ ngồi của SVĐ Mỹ Đình. Vé có bốn mệnh giá: 200.000 đồng, 300.000 đồng, 400.000 đồng, 500.000 đồng.

Vé vào sân có hạn trong khi nhu cầu của người hâm mộ quá đông khiến thị trường vé chợ đen vô cùng sôi động. Suốt từ ngày 27/9 đến nay, sau khi VFF trả vé cho khách hàng mua online, cũng từ đó thị trường vé chợ đen trước cổng trụ sở VFF và trước SVĐ Mỹ Đình hoạt động vô cùng tấp nập.

Theo tìm hiểu phóng viên viên loại vé có mệnh giá 400.000 đồng - 800.000 đồng/cặp cũng được các phe vé bán từ 2-5 triệu đồng/cặp.

Trước đó, VFF cho biết chỉ bán 20.000 vé qua mạng. Số vé còn lại khoảng 4.000 vé được bán cho CĐV Malaysia và Việt Nam. VFF cũng phải in 5.000 vé mời cho các đối tác, lãnh đạo, ban ngành… Số vé còn lại vào khoảng 8.000-9.000 vé được VFF bán cho các nhà tài trợ của bóng đá VN, đơn vị thành viên, đối tác của VFF.

tran-viet-nam-malaysia-ve-cho-den-gap-5-6-lan
Cặp vé giá 300.000 đồng nhưng được phe vé thổi lên đến gần 2 triệu đồng.

Lợi dụng lòng yêu nước nói chung và lòng yêu bóng đá nói riêng để đầu cơ, trục lợi là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên hiện tại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về chế tài xử phạt hành vi "phe vé" vì vé xem bóng đá được xem là hàng hóa hợp pháp. Việc người hâm mộ chấp nhận mua vé "chợ đen" được coi là thuận mua vừa bán và pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ xử phạt việc “phe vé” khi có hành vi chèo kéo khách, cản trở giao thông khi mua vé và bán lại kiếm lời gây mất trật tự công cộng (tranh giành khách, chửi bới, nói tục, gây mất an ninh trật tự khu vực).

Cụ thể, tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự ở nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao;

- Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

- Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm.

Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi gây rối trật tự công cộng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trậy tự công cộng, theo điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, nếu người bán dừng xe, đỗ xe (môtô, xe máy) ở lòng đường đô thị để bán vé mà gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Với trường hợp người mua phải chịu bỏ ra một khoản tiền lớn để mua vé, nhưng nhận được lại là vé giả, tiền mất tật mang.

Trường hợp này thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, các đối tượng phe vé có thể bị khởi tố với Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả, có thể bị phạt tiền 30.000.000 đồng – 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.