Thứ bảy, 31/03/2018, 05:23 AM
  • Click để copy

Lại tranh cãi chuyện coi mại dâm là một nghề

“Hợp pháp hóa mại dâm, coi mại dâm là một ngành nghề sẽ làm gia tăng tệ nạn buôn bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em gái. Nếu chỉ đặt mình ở vị trí của người mua dâm, thì bản chất sự ủng hộ là vì nhu cầu bản thân chứ không vì lợi ích chung của xã hội”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.

coi-mai-dam-la-mot-nghe-chi-thay-loi-cho-nguoi-mua-dam
Quan điểm coi mại dâm là một nghề hợp pháp gây tranh cãi trong xã hội - (Ảnh: Internet).

Câu chuyện coi mại dâm là một ngành nghề hợp pháp mới đây lại được khơi ra tranh luận sôi nổi tại Hội thảo “về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phối hợp với tổ chức Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức ngày 28/3.

Tại hội thảo nhiều quan điểm trái chiều về việc công nhận mại dâm là một ngành nghề hợp pháp đã gây tranh cãi trong các đại biểu. Người ủng hộ thì cho rằng “chỉ khi công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp thì Việt Nam mới có thể quản lý tốt hơn cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục, có nguồn thu cho Nhà nước…. có nhiều lợi hơn là hại”. Trong khi đó người phản đối thì cho rằng “nếu công nhận mại dâm là một nghề sẽ làm phức tạp xã hội, trái với văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục…”

Luật sư Trương Anh Tú: Chỉ thấy lợi cho người mua dâm, chưa lợi cho xã hội

Để có thêm góc nhìn đa chiều, PV đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội). Nêu quan điểm về việc có nên coi mại dâm là một nghề hợp pháp, luật sư Trương Anh Tú thẳng thắn cho rằng , nếu mại dâm được hợp pháp hóa chỉ làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này.

“Theo các số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu tiến hành bởi Liên hợp quốc cũng cho thấy hợp pháp hóa mại dâm, không những không quản lý tốt hơn mà chỉ làm hoạt động này càng trở nên phức tạp. Đầu tiên sẽ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục” – luật sư Tú nói.

Luật sư Tú cho rằng, để hợp thức hóa mại dâm thì cơ quan chức năng phải sửa các điều luật hay bỏ các điều luật trong Bộ Luật hình sự về các tội danh liên quan đến mại dâm, điều này không khó. “Tuy nhiên, hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến nó lan tràn thêm. Tiền thuế mà Nhà nước thu được rất ít, trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống “phố đèn đỏ” và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm như ma túy, trộm cướp, cờ bạc lại rất lớn”, luật sư Tú phân tích.

coi-mai-dam-la-mot-nghe-chi-thay-loi-cho-nguoi-mua-dam
Luật sư Trương Anh Tú.

Cũng theo luật sư Tú, việc hợp thức hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nạn “mại dâm chui, gái đứng đường” không giấy phép do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý, kéo theo đó là bạo lực đường phố và làm giả giấy phép. Việc này sẽ dẫn đến tồn tại song song “mại dâm hợp pháp” và “mại dâm bất hợp pháp” làm cho quản lý càng rắc rối hơn vì khó có thể xác minh gái mại dâm có hay không có giấy phép hành nghề, giấy phép đó là thật hay giả.

“Với quan điểm của một luật sư, tôi ủng hộ những người không đồng ý hợp pháp hóa mại dâm. Theo tôi, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, nếu hợp pháp hóa mại dâm, sẽ không khiến việc quản lý được tốt hơn, mà chỉ làm phức tạp thêm những “vấn nạn” của hoạt động mại dâm”, luật sư Tú nêu quan điểm.

Luật sư Tú cho rằng hợp pháp hóa mại dâm sẽ không giúp quản lý và bảo vệ phụ nữ, ngăn ngừa tệ nạn xã hội. Ở một khía cạnh khác, hợp pháp hóa mại dâm cũng cho thấy không vì sự phát triển của phụ nữ nói chung. Bởi vì, có khả năng khiến những em gái đang ở tuổi đến trường (nhận thức chưa đầy đủ), đặc biệt các em gái thuộc các gia đình có kinh tế khó khăn, sớm xa rời sách vở, học hành… để lựa chọn “nghề nghiệp” này.

Bên cạnh đó, luật sư Tú cho rằng hợp pháp hóa mại dâm, cũng làm gia tăng tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em.

Từng bào chữa nhiều vụ án phức tạp liên quan đến vấn đề này, luật sư Tú lưu ý rằng: “Khả năng một bé gái bị bắt cóc, bị đánh đập và bắt tiếp khách sau đó, các đối tượng tội phạm khống chế bé gái này, bắt viết đơn gia nhập đường dây “hành nghề” của chúng. Đến khi gia đình đi tìm, phát hiện cháu bé đang trong “nhà thổ”, thì các đối tượng “quản lý” đưa ra giấy cam kết tự nguyện gia nhập đường dây “hành nghề” mà cháu bé (bị ép buộc) viết. Lúc này pháp luật cũng sẽ… bó tay. Vì thế đừng nghĩ rằng hợp pháp hóa mại dâm lại có thể bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ”.

Theo luật sư Tú, vấn đề hợp pháp hóa mại dâm nếu chỉ đặt mình ở vị trí của người mua dâm, thì có nghĩa rằng bản chất sự “ủng hộ” đó là ích kỷ, vì nhu cầu bản thân, chứ không vì lợi ích chung và sự phát triển của xã hội.

Nhà quản lý muốn "quản" mại dâm

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới thì quan điểm xây dựng luật về phòng, chống mại dâm cần hướng dần đến việc công nhận mại dâm là một nghề. Nhà nước nên thừa nhận mại dâm và tổ chức quản lý hoạt động mại dâm trong các khu riêng biệt như một số quốc gia lân cận và trên thế giới. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể quản lý cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục.

Đặc biệt, theo ông Đạt, khi đặt ra các điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề, tình trạng hoạt động mại dâm sẽ không bùng phát trên diện rộng. Quản lý chặt chẽ giúp giảm những hậu quả tiêu cực tới xã hội.

Còn ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cho rằng hiếm quốc gia nào trên thế giới nghiêm cấm hoặc buông lỏng hoàn toàn hoạt động mại dâm. “Nếu luật mới coi mại dâm là một nghề, liệu đã xuôi chưa? Tôi cho rằng rất khó, vì ít quan điểm ủng hộ điều này. Coi mại dâm là một nghề, đồng nghĩa phải đưa ra các điều kiện lao động, quy định nơi làm việc, quản lý việc giới thiệu, quảng cáo...”, ông Đàm chia sẻ.

 

'U60' khai đứng ven sông Tô Lịch chèo kéo khách mua dâm

Nhóm 4 phụ nữ, trong đó có người đã 60 tuổi, đứng chèo kéo khách để bán dâm bên sông Tô Lịch, Hà Nội.

 

Mại dâm 'tung hoành' những ngày đầu năm

Trong những ngày đầu năm 2018, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện và bắt quả tang các ổ nhóm hoạt động mua bán dâm trên địa bàn cả nước...