Tranh cãi chuyện nam cán bộ, công chức mặc áo dài đến cơ quan làm việc ở Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 10/09/2020, 18:30 PM

Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức của Sở mặc áo dài truyền thống khi đến công sở làm việc, trong đó có áo dài ngũ thân dành cho nam giới.

Nam cán bộ, công chức mặc áo dài đến cơ quan làm việc. (Ảnh: Thanhnien)

Nam cán bộ, công chức mặc áo dài đến cơ quan làm việc. (Ảnh: Thanhnien)

Mới đây, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, bắt đầu từ tháng 9, cán bộ, công chức của Sở sẽ mặc áo dài truyền thống khi đến cơ quan làm việc.

Sở sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng, đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị và tặng hoa chúc mừng sinh nhật các thành viên có sinh nhật trong tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc mặc áo dài đến công sở không phù hợp.

Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị này đang tiếp tục lắng nghe ý kiến dư luận về việc triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức của Sở mặc áo dài truyền thống khi đến công sở, trong đó có áo dài ngũ thân dành cho nam giới.

Ông Phan Thanh Hải cho rằng vào ngày thứ hai và thứ sáu, phụ nữ đều mặc áo dài đi làm nên việc nam công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở vào ngày thứ hai đầu tuần mỗi tháng cũng không bất tiện.

"Áo dài ngũ thân cho nam giới không phải là áo lễ mà là thường phục truyền thống của đàn ông Việt Nam có từ thời cải cách tranh phục chúa Nguyễn Phúc Khoát (năm 1744). Áo ngũ thân có thể mặc bất cứ lúc nào vì tà ngắn, quần hai ống, cho phép đi giày tây cũng rất trang nghiêm, kín đáo, tiện lợi và năng động.

Thực tế, Sở VH - TT hoàn toàn không biến nó thành trang phục công sở mà chỉ mong muốn khuyến khích mọi người nhớ đến di sản văn hóa và phục hồi di sản văn hóa đó của dân tộc", dẫn lời ông Hải trên báo Thanh Niên.

Ông Phan Thanh Hải cho hay hiện Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế mới đang thử nghiệm và chỉ mặc vào ngày thứ hai đầu tuần trong tháng. Cũng theo ông Hải, bất cứ cái gì mới đều gặp phải những ý kiến trái chiều, cùng là điều bình thường.

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng ở Ấn Độ, nam giới vẫn mặc áo dài suốt mà thậm chí loại áo đó mặc còn khó chịu hơn. Hơn nữa, Huế là cái nôi về văn hóa, đang bảo vệ văn hóa và đây là việc cực kỳ quan trọng. Với những ý kiến dư luận, chắc chắn Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế sẽ có cải tiến áo dài cho phù hợp với không gian hiện đại ngày nay.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít người cho rằng, việc mặc áo dài đến môi trường công sở đi làm là không phù hợp, bất tiện. 

Không phải không có lý do mà đến thế kỷ 20, phong trào cổ vũ âu phục lên ngôi. Trong các lý do nổi bật là sự tiện lợi và hình thức của âu phục hơn hẳn. Vì vậy, việc ăn mặc áo dài truyền thống với nam, nữ cán bộ, nhân viên chỉ nên áp dụng với ngành văn hóa, du lịch trong những ngày, dịp cần thiết chứ không nên đại trà, rộng khắp.

Bởi vì, công dân đến các cơ quan công sở là để giải quyết các công việc, chứ không phải là đến để xem trình diễn áo dài, hay giáo dục về văn hóa truyền thống.

Bài liên quan