Tranh cãi đề xuất bỏ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Thứ hai, 09/03/2020, 18:56 PM

Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa đề xuất bỏ quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Ngay lập tức đề xuất này gây tranh cãi trong giới chuyên gia, doanh nghiệp.

Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa đề xuất bỏ quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa đề xuất bỏ quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

VNREA vừa có văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng và Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, trong đó liên quan đến bảo lãnh với nghĩa vụ bàn giao của chủ đầu tư khi bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Tại khoản 1, Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản quy định: “Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.

Theo VNREA, mức bảo lãnh đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai lên tới 100% giá bán nhà/căn hộ và thư bảo lãnh phát sinh hiệu lực cùng lúc dẫn đến tổng giá trị bảo lãnh của một dự án là rất lớn. Đối với các chủ đầu tư triển khai nhiều dự án với quy mô lớn cùng thời điểm thì việc cấp bảo lãnh trong hạn mức tín dụng là không thể thực hiện được.

Do đó, VNREA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và ban hành cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có thể để doanh nghiệp và khách hàng tự thỏa thuận về nội dung này.

Hoặc bỏ quy định bảo lãnh và thay vào đó một quy định khác mà chủ đầu tư có thể thực hiện trong thực tiễn áp dụng; bổ sung các tiêu chí, điều kiện phân loại/xếp hạng uy tín/độ tín nhiệm của chủ đầu tư và các chủ đầu tư có xếp hạng uy tín/tín nhiệm cao sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Trước đề xuất của VNREA, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Đực - Chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng địa ốc Xanh cho rằng, trước khi kiến nghị bỏ quy định hay bổ sung quy định nào đó cần đánh giá khách quan vai trò của quy định đó với thị trường.

"Với đề xuất bỏ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cũng như vậy, trước khi đề xuất bỏ hay giữ lại cần có đánh giá xem quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai đã đóng góp gì cho thị trường bất động sản?", ông Đực nói.

Ở phương diện doanh nghiệp theo ông Đực quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được ví như "bảo hiểm" cho dự án nhưng thực tế nhiều dự án vẫn chậm tiến độ, người dân vẫn chịu thiệt. Mặt khác, quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai còn gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đực.

Ông Nguyễn Văn Đực.

"Để thực hiện được quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai chỉ những doanh nghiệp lớn, thế nhưng nhưng doanh nghiệp đó có ai xây nhà 500-700 triệu đồng cho người dân không? Phân khúc họ hướng đến là căn hộ 3-4 tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, trong khi thị trường cần căn hộ giá thấp. Đây là một vấn đề cần phải suy nghĩ", ông Đực cho biết.

Trong khi đó, chia sẻ trên Tiền Phong, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, mức bảo lãnh đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai lên tới 100% là đương nhiên. “Tôi bỏ ra 10 tỷ đồng mua nhà, ngân hàng chỉ bảo lãnh 5 tỷ đồng thì 5 tỷ đồng kia của tôi sẽ ra sao, ai chịu trách nhiệm?”, luật sư Tú nói.

Theo luật sư Tú, trên thực tế, đã xảy ra rất nhiều trường hợp người mua nhà đã đóng tiền lên đến 95% nhưng có những dự án hàng chục năm qua, người bán vẫn chưa thể bàn giao được nhà. Trước rủi ro của người mua nhà trong thời gian vừa qua, Nhà nước phải có yêu cầu bắt buộc việc bảo lãnh. Vì thế bảo lãnh chính là một dạng bảo hiểm cho giao dịch tài sản đó.

Bài liên quan