Thứ bảy, 04/05/2019, 08:43 AM
  • Click để copy

Đề xuất lùi giờ làm việc đến 8h30: Chuyên gia giao thông cho rằng không tác dụng giảm ùn tắc

Theo chuyên gia giao thông, việc lùi giờ làm việc hành chính buổi sáng đến 8h30 chỉ mang lại nhiều ý nghĩa về giao thông nếu bố trí các thành phần, đơn vị lệch múi giờ nhau.

Theo chuyên gia giao thông, việc lùi giờ làm việc hành chính từ 8h30 đến 17h30 không mang nhiều ý nghĩa nếu áp dụng đồng loạt cho các cơ quan.
Theo chuyên gia giao thông, việc lùi giờ làm việc hành chính từ 8h30 đến 17h30 không mang nhiều ý nghĩa nếu áp dụng đồng loạt cho các cơ quan.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Bộ Lao động thương binh và xã hội (Bộ LĐTB&XH) đề xuất thống nhất lùi giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút đang nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Nhiều ý kiến kỳ vọng việc lùi giờ làm hành chính từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút sẽ giúp năng suất lao động đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt là có tác dụng giảm vấn nạn ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, không ít ý kiến đánh giá việc này không mang lại nhiều ý nghĩa bởi thời gian hành chính thay đổi kéo theo sự thay đổi của những đơn vị liên quan vì thế giao thông ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc.

Trao đổi với PV chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc lùi giờ làm việc đến 8h30 áp dụng đồng loạt cho tất cả đơn vị hành chính thì sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa về mặt giảm tải ùn tắc giao thông.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, việc lùi giờ làm việc, thay đổi giờ làm việc chỉ có ý nghĩa về giao thông khi áp dụng các đơn vị lệch giờ nhau.

TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông.TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông.

"Nếu tất cả mà cùng lùi giờ làm việc đến 8h30 thì thời điểm đó tất cả lại cùng đổ ra đường, vậy thì sao có thể giảm được ùn tắc. Tôi cho rằng nên bố trí các đơn vị lệch nhau khoảng 1 tiếng đồng hồ. Ví dụ cơ quan hành chính ở Hà Nội có thể đi làm sớm hoặc muộn hơn cơ quan Trung ương 1 tiếng, đồng thời phải áp dụng những biện pháp song song khác thì mới có thể giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM", chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ với PV.

TS. Thủy cho biết: Cán bộ công chức nhà nước chỉ là 1 trong số nhiều thành phần tham gia giao thông hiện nay. Do đó muốn giảm ùn tắc giao thông bằng phương pháp này thì phải thay đổi, bố trí lệch giờ những thành phần giao thông khác. Bên cạnh đó, cần áp dụng các giải pháp như tăng lượng phương tiện công cộng, mở đường, giãn trường học, bệnh viện ra xa trung tâm, không xây dựng chung cư cao tầng...

"Nếu cán bộ công chức cũng đi làm việc bằng phương tiện công cộng thì chắc chắn sẽ góp phần giảm việc ùn tắc giao thông", ông Thủy chia sẻ thêm.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia giao thông và kinh tế khác cho rằng đây là đề xuất không mới và đã được một số ĐBQH đưa ra từ năm 2017.

Cụ thể: Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề nghị Chính phủ thay đổi giờ làm việc để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo hành phúc gia đình.

Cụ thể, đại biểu Cảnh đưa ra giải pháp thay đổi khung giờ làm việc, buổi sáng bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào lúc 17h đối với khối dịch vụ công, các đơn vị giáo dục công lập. Trong đó giờ nghỉ trưa kéo dài 1 giờ.

"Nếu giờ làm việc bắt đầu vào 8h30, sẽ tránh ùn tắc giao thông và không phải bố trí làm việc lệch giờ. Mọi người trong gia đình có thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí, hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng tăng lên", đại biểu đoàn Bình Định phân tích.

Theo Phó GS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Trưởng bộ môn đường bộ (Đại học GTVT) cho biết, hiện nay, thời gian làm việc 7h-7h30 của các cơ quan hành chính Nhà nước đang gây một số khó khăn cho người dân. Nhiều gia đình phải dậy từ 5h hoặc 6h lo bữa sáng cho gia đình, cho con cái đi học sau đó với đến công sở.

Thêm nữa, thời gian này trùng với thời gian học sinh, người lao động đi làm ca kíp nên gây ra ùn tắc giao thông ở một số tuyến đường. Nhiều người phải dậy sớm gây ra tình trạng mệt mỏi, năng suất lao động giảm.

“Do vậy, tôi cho rằng đề xuất thay đổi giờ làm muộn hơn 1h và giờ nghỉ trưa 1 giờ so với hiện nay là cần thiết và hoàn toàn hợp lý. Trên thế giới, các nước như Pháp, Nhật, Nga họ cũng đều bắt đầu đi làm từ 8h-8h30. Đặc biệt, nếu bố trí làm việc lệch giờ, các phương tiện sẽ không cùng tham giao thông ở một thời điểm, không gây áp lực giao thông và ùn tắc giao thông sẽ giảm”, ông Toản chia sẻ cùng báo chí.

Ông Toản cũng đồng tình với đề xuất của Đại biểu Quốc hội chỉ nên nghỉ trưa khoảng 1h. Bởi theo ông, nếu nghỉ trưa quá dài sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi.

Ông Bùi Danh Liên - chuyên gia về giao thông đô thị cho rằng, với thời gian làm việc như hiện nay, vào giờ cao điểm, giao thông ở Thủ đô Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc. Nhiều phương tiện không thể di chuyển trên đường gây mất thời gian, tăng chi phí, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, gây ra ức chế cho người dân.

Vì vậy, nếu việc bố trí lệch giờ làm việc, giải quyết được các vấn đề nêu trên sẽ giúp cho con người thoải mái, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, việc đổi giờ làm sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho người dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần lấy ý kiến đầy đủ từ người dân đến doanh nghiệp, các tổ chức và chuyên gia trong nước và quốc tế, để có đánh giá đầy đủ nhất.

Chuyên gia kinh tế nói gì?

Trao đổi với PV, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Tôi đề nghị nên để linh hoạt giờ làm việc. Bởi, nếu quy định tất cả mọi cơ quan đều cùng một giờ làm việc thì đường sẽ tắc nghẽn. Các cơ quan nhà nước cũng không nên quy định quá cứng nhắc mà chỉ nên quy định một cách tối thiểu 8h là phải bắt đầu công việc tiếp công dân”.

Còn về việc nghỉ trưa 60 phút, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việc nghỉ trưa cũng vậy, cũng cần linh hoạt. Nếu cơ quan nhà nước có nhà ăn ngay tại cơ quan thì có thể nghỉ ngắn, còn nếu chỗ ăn xa thì có thể tuỳ. Không nên quy định áp đặt cho tất cả cơ quan. Điều này, sẽ không phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay”.

Theo ông Lê Đăng Doanh, việc nghỉ trưa hay lùi giờ làm việc phải tuỳ vào tình hình thực tế, trong khi đó điều kiện ở nước ta chưa so sánh cứng nhắc phải giống như nước này, nước kia mà cần phải thay đổi linh hoạt. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của các cơ quan khác nhau.  

 

Cứu người đàn ông tự lấy dao đâm thấu tim

Người đàn ông ở Quảng Nam có biểu hiện của chứng trầm cảm đã tự lấy dao đâm thấu tim mình và may mắn được các bác sĩ phẫu thuật kịp thời.

 

Hà Nội đặt camera ghi hình người xả rác ở phố đi bộ để xử phạt

Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm đang thí điểm việc ghi hình, xử lý các trường hợp xả rác không đúng quy định ở phố đi bộ Hồ Gươm.

 

Clip: Cặp đôi đi xe máy tông vào lan can đường rồi bay xuống vực ở Tam Đảo

Đổ đèo Tam Đảo với tốc độ cao, cặp phượt thủ điều khiển xe máy bất ngờ tông vào lan can đường ngược chiều rồi bay xuống vực sâu.