Tranh cãi quy định cấm bán rượu, bia sau 22h

Chủ nhật, 02/06/2019, 17:49 PM

Lo ngại ảnh hưởng du lịch, kìm hãm phát triển kinh tế vì thế quy định cấm bán rượu, bia sau 22h bị đưa ra dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

tranh-cai-quy-dinh-cam-ban-ruou-bia-sau-22h
Lo ngại ảnh hưởng du lịch, kìm hãm phát triển kinh tế vì thế quy định cấm bán rượu, bia sau 22h bị đưa ra dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được đưa ra thảo luận trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV đang trở thành tâm điểm dư luận khi nhiều quy định trước đó bị loại ra. Cụ thể, trong dự thảo lần này, quy định  cấm bán rượu, bia trên internet  đã được bỏ và chỉ giữ quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.

Ngoài ra, dự thảo chỉ quy định cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên thay vì cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên như dự thảo trước.  Đặc biệt một trong những nội dung gây tranh cãi nhiều nhất là khung giờ được phép bán rượu, bia tại Việt Nam đã được đưa ra khỏi dự thảo. Theo đó dự thảo lần này không đưa vào quy định cấm bán rượu bia từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định cấm bán rượu bia từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau nên đây là đề xuất hoàn toàn có cơ cở. Việc đẩy quy định này ra khỏi dự thảo sẽ gây hệ lụy khôn lường về sức khỏe, tăng tai tại nạn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế, luật sư và doanh nghiệp lại cho rằng quy định này nếu đi vào thực tiễn sẽ “bóp chết” ngành du lịch, kìm hãm phát triển kinh tế.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, việc cấm bán rượu bia sau 22h liệu có kiểm soát được việc lạm dụng rượu bia hay không, có làm giảm cầu không?

Thực tế, theo kinh nghiệm quốc tế, những quốc gia có quy định cấm bán rượu, bia theo giờ đã vô tình tạo kẽ hở cho việc uống một cách vô trách nhiệm hoặc mua nhiều rượu, bia hơn trước khoảng thời gian bị cấm. Vì vậy, quy định cấm bán rượu, bia theo giờ trở nên phản tác dụng.

Nhưng theo ông Long, một điều quan trọng nữa là hiện nay, du lịch là ngành mũi nhọn của Việt Nam trong khi nước ta có nhiều lợi thế để phát triển ngành này. Nhưng nếu bây giờ cấm cản như vậy, khách du lịch vào nước ta không được sử dụng rượu, bia trong khung giờ đó thì sẽ hạn chế ngành du lịch, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế, ảnh hưởng tới GDP, đó là bất lợi.

Trước đó, ông Đỗ Văn Vẻ, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII lo ngại, việc đưa ra nhiều quy định nhưng thiếu sự kiểm soát sẽ khiến luật khi được ban hành "trở nên nhàm". Ông Vẻ nhấn mạnh: "Ai sẽ là người kiểm soát nếu cấm, chúng ta có kiểm soát được hay không?”.

Mặt khác, quy định cấm này cũng sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu, bia trái phép, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người uống sẽ tìm đến những loại rượu, bia không đạt chất lượng và sẽ dẫn dắt người bán kinh doanh trái phép để đáp ứng nhu cầu người mua, dẫn đến thất thu thuế và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Dương Trung Quốc nhận định, nhiều đại biểu đang tiếp cận dự luật sai vì đối với rượu, bia phải tiếp cận từ góc độ văn hoá. "Rượu, bia là văn hoá tại sao lại mang nó lên đoạn đầu đài? Đây là luật cần ban hành, cần nhận thức tác hại, mặt trái của nó, thậm chí có chế tài nặng hơn, nhưng phải coi năng lực quản lý, kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ mới là vấn đề hàng đầu", ông Quốc nói.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 đến 12% GDP của mỗi quốc gia. Giả sử tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất thế giới là 1,3 GDP thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Chưa kể, rượu, bia cũng là thủ phạm hàng đầu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, do vậy, việc hạn chế tính sẵn có của rượu bia, hạn chế quảng cáo rượu, bia và quản lý bình đẳng giữa rượu và bia là 3 vấn đề lớn cần phải được thể hiện rõ và mạnh trong Dự thảo Luật PCTHCRB.

Theo chương trình, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

 

Nhiều chính sách mới về thương mại, dịch vụ, tiêu dùng có hiệu lực từ tháng 6/2019

Không thay ga giường khách sạn bị phạt 3 triệu đồng là một trong nhiều chính sách mới liên quan thương mại, dịch vụ, tiêu dùng có hiệu lực từ tháng 6/2019

 

Điều hành giá xăng: Hai lần giảm chưa bằng 1 lần tăng

Dễ nhận thấy trong điều hành giá xăng, mức tăng thường cao hơn mức giảm. Bằng chứng hai lần giảm giá xăng gần nhất cũng không bằng một lần tăng giá trước đó.

 

Giá xăng giảm nhẹ trong ngày Tết Thiếu nhi

Từ 15 giờ chiều ngày 1/6, giá xăng tiếp tục đi xuống, với mức điều chỉnh của xăng E5 RON92 là 269 đồng/lít, trong khi mặt hàng xăng RON95-III cũng giảm 380 đồng/lít.