Tranh cãi về phương pháp ABA cho trẻ tự kỷ

Thứ năm, 13/02/2020, 19:00 PM

Tại sao một số phụ huynh và những người đang hoạt động vì người tự kỷ lại cho rằng phương pháp Phân tích Hành vi Ứng dụng (ABA) có những điểm tiêu cực?

Empty

Trong vài thập kỷ qua, Phân tích Hành vi Ứng dụng, hay ABA, đã phát triển thành một nhóm gồm rất nhiều phương pháp và kỹ thuật để giúp trẻ tự kỷ. Nguyên tắc trị liệu hành vi - củng cố tích cực các hành vi mong muốn - được sử dụng, thường chuyên sâu, để giúp trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng mà chúng không có được một cách tự nhiên và giảm các hành vi có hại, như tự gây thương tích.

Nhưng khi ABA, do Ivar Lovaas, một nhà tâm lý học tại Đại học California ở Los Angeles phát triển, mở rộng và trở nên phổ biến hơn, nó cũng vấp phải nhiều sự chỉ trích từ các bậc cha mẹ và những người đang hoạt động vì chứng tự kỷ khi họ nhìn thấy các vấn đề và cách các phương pháp này đang được thực hiện.

Quá khắc nghiệt với trẻ?

Một nguồn chỉ trích xuất phát từ thực tế rằng Đào tạo Thử nghiệm Rời rạc (DTT) một kỹ thuật thuộc ABA không hoàn toàn dựa trên việc củng cố tích cực các hành vi mong muốn.

Tiến sĩ Susan Epstein chuyên về thần kinh lâm sàng, giải thích: “Tiến sĩ Lovaas đã sử dụng các nguyên tắc củng cố tích cực và trừng phạt để giảm các hành vi tự gây thương tích trong các trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ, điều trị cho những người bị suy yếu nghiêm trọng”.

Ngày nay, việc sử dụng các phương pháp củng cố gây khó chịu, bao gồm sốc điện, không còn được chấp nhận, phương pháp ABA, bao gồm nhiều thực hành lặp đi lặp lại, vẫn bị cho là gây khó khăn cho trẻ và các kỹ năng mà chúng học không phải lúc nào cũng bao quát cho các tình huống khác.

Nhiều người có định kiến rằng các nhà trị liệu luôn giao những nhiệm vụ nặng nề cho trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, tiến sĩ Catherine Lord, giám đốc trung tâm về tự kỷ và phát triển não bộ Center for Autism and the Developing Brain tại Đại học Y Weill Cornell & Bệnh viện Presbyterian ở New York, lưu ý rằng hầu hết các nhà trị liệu ABA truyền thống đều được đào tạo để trở nên siêu sinh động và vui nhộn. “Đôi khi bạn thấy một người không hài hước. Nhưng đó chỉ là cách dạy kém chứ không phải là lỗi của ABA”, bà Catherine nói.

Và hầu hết các nhà trị liệu và chương trình ABA hiện không sử dụng hình thức DTT, tức trẻ ngồi ở bàn mà dựa trên trò chơi. Sara Germansky, một nhà phân tích hành vi có chứng chỉ BCBA - chứng nhận cao nhất được trao cho những người được đào tạo bởi tổ chức ABA chuyên nghiệp - đưa ra ví dụ như sau:

“Tôi có thể thiết lập một cái gì đó khi trẻ chơi ô tô đồ chơi và nếu tôi muốn nói về màu sắc, tôi có thể để hai chiếc ô tô trước mặt - một chiếc màu đỏ và một chiếc màu vàng. Và nếu trẻ nói 'Cháu có thể mượn một chiếc xe không?' Tôi sẽ nói 'Ồ, cháu muốn chiếc xe màu đỏ hay chiếc xe màu vàng?' Sau đó trẻ sẽ phải mở rộng ngôn ngữ của mình bằng cách nói 'Cháu muốn chiếc xe màu đỏ'. Sau đó tôi sẽ nói 'Cái nào màu đỏ?' Và trẻ sẽ phải xác định màu sắc. Vì vậy, có nhiều cách thiết lập môi trường để trẻ học hỏi những kỹ năng này một cách tự nhiên hơn”.

Bên cạnh đó, bà nói thêm, trẻ có nhiều khả năng khái quát các kỹ năng học được trong một tình huống tự nhiên ngoài các buổi trị liệu và đưa các kĩ năng đó ra thế giới.

Ngoài ra, gần như không bao giờ ABA được sử dụng tới 40 giờ một tuần như Tiến sĩ Lovaas khuyến nghị ban đầu. Theo ông Germansky, người trị liệu một thầy một trò cho trẻ tự kỷ ở thành phố New York, cho biết hầu hết trẻ được trị liệu 10 giờ một tuần hoặc 20 giờ một tuần. “Trẻ có hành vi càng nghiêm trọng hoặc càng bị trở ngại, số giờ học càng nhiều. Tôi thấy trẻ thường được trị liệu hai giờ mỗi ngày trong tuần”, ông nói.

Quá tập trung vào việc loại bỏ các hành vi?

Empty

Một phàn nàn khác về ABA bắt nguồn từ việc một số người thực hành phương pháp này không tập trung phát triển các kỹ năng cùng với việc cố gắng giảm hoặc loại bỏ các hành vi có vấn đề. Tameika Meadows, một BCBA ở Atlanta, nói rằng bà thấy vấn đề này khi đến thăm một số trường để tư vấn về cách áp dụng ABA.

Một trong những điều đầu tiên bà để ý là việc loại bỏ các hành vi không mong đợi dường như đang là trọng tâm ở đây. Trong khi trẻ không được dạy làm gì thay vì nổi giận , hay thay vì cố gắng trốn khỏi tòa nhà cả ngày.

Ari Ne'eman, vốn là một người tự kỷ, đang là nhà hoạt  động vì  người tự kỷ nổi tiếng, phản đối ABA với lý do nó tập trung vào việc khiến những người tự kỷ  không khác biệt với bạn bè cùng trang lứa (indistinguishable from their peers). Theo ông, điều đó có nghĩa là nó ngăn cản các hành vi mà không thừa nhận nội dung cảm xúc của họ.

“Việc nhấn mạnh vào những thứ như giao tiếp bằng mắt hoặc ngồi yên hoặc không tự kích thích – đang xoay quanh việc cố gắng tạo ra những khuôn mẫu của đứa trẻ điển hình, mà không thừa nhận thực tế rằng những đứa trẻ khác nhau có nhu cầu khác nhau. Có thể sẽ gây hại khi chúng ta nói với trẻ còn rất nhỏ rằng cách chúng hành động, cách chúng di chuyển đang sai cơ bản”, ông nói.

Ne'eman, hiện là chủ tịch và đồng sáng lập mạng lưới Tự bênh vực của người tự kỷ Autistic Self Advocacy Network, không phản đối việc can thiệp có cấu trúc sớm vào trẻ tự kỷ và ông thừa nhận hành vi tự gây thương tích - một trong những điều ABA được thiết kế để giảm thiểu - là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông lập luận rằng các can thiệp có cấu trúc khác nhằm vào lời nói và ngôn ngữ có thể có giá trị hơn, đặc biệt là đối với trẻ không nói hay chỉ dùng hành vi làm hình thức giao tiếp.

Cố gắng loại bỏ sự khác biệt?

Những người bảo vệ ABA cho rằng phương pháp này không nhằm mục đích lấy đi sự đa dạng thần kinh của trẻ tự kỷ mà đem lại cho trẻ sự độc lập.

“ABA dựa trên tiền đề thao túng các biến môi trường để mang lại sự thay đổi hành vi. Vì vậy chúng tôi không cố gắng thay đổi con người, chúng tôi không cố gắng thay đổi cách suy nghĩ của họ, chúng tôi không cố thay đổi cách họ cảm nhận”, Germansky nói.

Đó là điều mà Stephanie Kenniburg đã có với con trai Holden, hiện 6 tuổi bằng liệu pháp ABA. “Điều tôi thích là họ đang cố gắng giúp thằng bé sống độc lập nhất có thể mà không cố để thằng bé không còn tự kỷ. Giống như có một số phần nhất định của thằng bé bị tự kỷ - cách bộ não hoạt động, cách suy nghĩ - và họ không xem đó là cái gì đó tiêu cực cần phải biến mất. Họ đang kiểu như 'Đây là cách cậu bé nghĩ nên chúng tôi sẽ dạy cậu bé theo cách này để sống trên thế giới’”.

Kenniburg nói rằng cả gia đình đã học được cách giúp Holden phát triển các kỹ năng thông qua ABA. “Tôi thích việc họ chấp nhận sự đa dạng thần kinh của thằng bé và rằng họ đã chấp nhận thằng bé như một người. Họ thực sự đã giúp gia đình chúng tôi dạy thằng bé cách tự lập hơn”, cô cho hay.

Phương pháp ABA giúp trẻ có nhiều lựa chọn hơn - và nhiều niềm vui hơn

Tiến sĩ Lord thừa nhận ABA ban đầu tập trung vào mục tiêu rằng trẻ em sẽ phù hợp với một lý tưởng điển hình. “ABA được tạo ra với một kiểu mẫu với cách trở thành hoàn hảo và chúng tôi biết đó là gì, chúng tôi sẽ dạy trẻ làm thế nào để trở thành sự hoàn hảo đó”, bà nói.

Tuy nhiên, các phương pháp ABA giờ đây cá nhân hóa hơn nhiều, dù vẫn luôn có mục tiêu. “Một trong những điều khó khăn khi làm việc với trẻ là bạn luôn phải đưa ra các giả định về những gì sẽ là tốt nhất cho đứa trẻ này.

Tiến sĩ Lord đồng ý với Ari Ne'eman khi ông lưu ý về việc đang có những sự can thiệp sớm và mạnh. Ngoài ra, đối với những trẻ ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chứng tự kỷ, việc chọn chương trình ABA hay chương trình gì khác ít quan trọng hơn. Nhưng bà nói rằng những đứa trẻ có nguy cơ không nói đã được chứng minh là có cơ hội nói cao hơn khi được trị liệu bằng ABA.

Theo bà, một nhà trị liệu giỏi, dù dùng ABA hay không, là cố gắng tìm ra những cách thúc đẩy điểm mạnh của một đứa trẻ, giúp chúng hòa nhập vào xã hội và điều đó sẽ cho chúng những lựa chọn tốt nhất. “Đó là những gì chúng tôi muốn. Chúng tôi không muốn một người cư xử tốt nhất, chúng tôi muốn một người có thể làm nhiều nhất có thể và có được nhiều niềm vui nhất bên ngoài thế giới.

Bài liên quan