Thứ hai, 11/03/2019, 09:46 AM
  • Click để copy

Tranh cãi quanh phát ngôn 'Người xử phạt phải chứng minh vi phạm là làm ngược' của ông Khuất Việt Hùng

Nhiều ý kiến cho rằng, phát ngôn "Người xử phạt phải chứng minh vi phạm là làm ngược..." của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng là không chuẩn.

tranh-cai-y-tuong-nguoi-xu-phat-khong-can-chung-minh-cua-ong-khuat-viet-hung
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia. (Ảnh: Báo Giao thông).

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia muốn "người xử phạt không cần chứng minh"

Mấy ngày qua, khi dư luận xã hội chưa hết “nóng” với đề xuất “ai mất bằng lái xe thì phải thi lại” của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể... Thì lại tiếp tục "dậy sóng" trước ý kiến "Người xử phạt phải chứng minh vi phạm là làm ngược" (hay là "người xử phạt không cần chứng minh") của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng.

Phát biểu "Người xử phạt phải chứng minh vi phạm là làm ngược" được ông Khuất Việt Hùng đưa ra khi đề cập đến một số vấn đề liên quan xử phạt vi phạm giao thông tại phiên giải trình do Uỷ ban Tư pháp tổ chức ngày 6/3.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, việc xử phạt nghiêm với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT sẽ là động lực để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông và cũng là thứ để người dân soi vào. Để làm được việc đó, ông Hùng đề nghị phải tạo điều kiện hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

Dẫn quy định hiện tại về việc yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông phải chứng minh vi phạm, ông Khuất Việt Hùng cho rằng: Việc này đang đi ngược lại với các nước, bởi thông thường về mặt hành chính cứ xử phạt đã, còn nếu thấy việc xử phạt đó không đúng thì người bị xử phạt có thể kiện người ra quyết định xử phạt ra toà.

“Nếu chúng ta giải quyết được chỗ này mới tạo được nền tảng pháp lý cho lực lượng thực thi công vụ, cái này rất quan trọng, không đơn giản một chút nào, vì tôi chứng kiến rất nhiều chuyện tranh cãi nhau, và người vi phạm cứ quay, dí camera vào mặt cảnh sát, cố gắng tạo ra dư luận xã hội”, một số tờ báo dẫn lời ông Hùng nêu.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề này tức là chúng ta đang tự “tước vũ khí” của cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật. Bảo vệ pháp luật mà phải tranh cãi với những trường hợp như người cố tình vi phạm hoặc người say rượu thì “không cãi được”.

“Hơn nữa, nếu phạt sai thì người dân có quyền kiện, chúng ta có cơ chế để người dân kiện người xử phạt sai ra toà. Vì thế, chúng ta phải cố gắng làm để có vũ khí cho lực lượng chức năng giải quyết vi phạm”, ông Hùng nêu ý kiến.

Phát ngôn của ông Khuất Việt Hùng ngay lập tức trở thành đề tài tranh cãi trong dư luận. Đa phần cho rằng ý tưởng  "người xử phạt không cần chứng minh vi phạm" là vô lý và điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng chức vụ của lực lượng chức năng và tước đi quyền lợi của người dân...

Ý kiến của ông Khuất Việt Hùng khó chấp nhận

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Tại Điều 9 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính như sau: Các đương sự (Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh như đương sự.Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự theo quy định của Luật này.

de-xuat-mat-bang-lai-xe-phai-thi-lai-trai-luat-the-nao
Luật sư Diệp Năng Bình.

Bên cạnh đó Điều 10 của luật này cũng quy định nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó là: Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân (sau đây gọi là Viện kiểm sát) theo quy định của Luật này khi có yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết.

Hoặc giả sử trong vụ tai nạn giao thông mà bị khởi tố vụ án hình sự thì lúc này theo quy định tại các Điều 60,61 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 85 của bộ luật này: Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội...

Với những dẫn chiếu nêu trên, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, pháp luật tố tụng của hai ngành luật là luật hành chính và luật hình sự đều không buộc người dân phải có nghĩa vụ chứng minh mà trách nhiệm thuộc về các cơ quan Nhà nước.

“Hơn nữa, trong việc xử lý vấn đề giao thông chúng ta không thể so sánh với các nước bạn. Ở nước họ hệ thống máy ghi hình phát triển, thông thường họ thường xử phạt qua đó. Khi chúng ta chưa đầu tư cho công nghệ, khi tệ nạn lót tay bị báo chí và người dân phanh phui thường xuyên, khi mà vẫn còn những clip người dân đưa lên mạng cho thấy cảnh sát không chứng minh được lỗi, không tranh luận lại với dân phải bỏ chạy thì khi đó chúng ta không thể trao cho họ thêm quyền”, Luật sư Bình cho biết.

Cùng đưa ra ý kiến về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) khẳng định: Khi muốn xử lý người vi phạm, cơ quan chức năng phải chứng minh được lỗi, hành vi sai phạm của người vi phạm.

Theo đó, ông Sơn cho rằng: Ý kiến của ông Khuất Việt Hùng cần phải xem xét lại bởi nói như vậy là đang đi ngược lại với những cái chung và chuẩn, khó có thể chấp nhận được.

Theo ông Sơn, không thể nào có chuyện người vi phạm phải tự chứng minh. Nếu lực lượng chức năng muốn xử phạt thì trước hết phải chứng minh được lỗi vi phạm đó thì mới có thể áp dụng, căn cứ vào quy định, chế tài để xử phạt.

 

Ông Khuất Việt Hùng: "Người xử phạt phải chứng minh vi phạm là làm ngược"

Ông Khuất Việt Hùng đề nghị xem lại các quy định để tạo hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông.

 

Đề xuất 'mất bằng lái xe phải thi lại' là trái quy định pháp luật thế nào?

Theo nhận định của các luật sư, đề xuất "mất bằng lái xe phải thi lại" là trái quy định pháp luật hiện hành.

 

Đề xuất 'mất bằng lái xe phải thi lại': Cần dẹp tiêu cực từ trường lái

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát... trong việc cấp, quản lý bằng lái xe này chứ không nên đổ trách nhiệm sang cho người dân.

 

Tin tức giao thông mới nhất ngày 9/3: Tổng cục Đường bộ lên tiếng về đề xuất 'mất bằng lái xe phải thi lại'

Tin tức giao thông ngày 9/3, đề cập đến việc Tổng cục Đường bộ lên tiếng về đề xuất "mất bằng lái xe phải thi lại" của Bộ trưởng GTVT.

 

Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại: 'Phải chăng, Bộ GTVT đang muốn đẩy cái khó cho người dân?'

Nhìn nhận về phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi đưa ra đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại, Đại tá Trần Sơn đã đặt ra câu hỏi rằng: “Phải chăng, Bộ GTVT đang muốn đẩy cái khó cho người dân?”