Đề xuất cắt giảm lương hưu, chế độ chính sách đối với cán bộ bị xóa tư cách

Thứ năm, 24/10/2019, 14:09 PM

Đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các đại biểu tranh luận về quyền, nghĩa vụ cán bộ bị xóa tư cách.

tranh-luan-gay-gat-quyen-nghia-vu-can-bo-bi-xoa-tu-cach
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Góp ý về các hình thức kỷ luật, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, nhiều đại biểu khẳng định, việc rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về đảng và xử lý kỷ luật về hành chính nhà nước là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, “thống nhất, đồng bộ” không có nghĩa là bên Đảng có hình thức kỷ luật nào thì bên Nhà nước phải có hình thức kỷ luật như vậy mà là sự thống nhất, đồng bộ về tính chất, sự nghiêm khắc của chế tài xử lý kỷ luật. 

Đại biểu cho rằng, việc quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có những điểm bất hợp lý, về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào dùng khái niệm là tư cách chức vụ. Quy định hình thức xử lý kỷ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.

Chẳng hạn, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu một cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự với hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn, chung thân thì họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Tương tự, nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc, họ cũng không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó. Điều này tạo ra sự bất hợp lý là người gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự lại không bị xóa tư cách chức vụ trước đó, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Dẫn ra kinh nghiệm của Đức, ông cho biết, công chức đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình lúc đương chức và hình thức kỷ luật là giảm và truất lương hưu vĩnh viễn. Đồng thời hệ quả pháp lý là người bị kỷ luật sẽ không còn có quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên bộ trưởng, nguyên thứ trưởng...

tranh-luan-gay-gat-quyen-nghia-vu-can-bo-bi-xoa-tu-cach
ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) có nhiều ý kiến đóng góp về hình thức xử lí kỉ luật đối với công chức sau khi nghỉ hưu.

Cũng góp ý  dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đặt vấn đề, đối với cán bộ bị kỉ luật sau khi nghỉ hưu, ở góc độ vật chất, chúng ta dễ dàng tước bỏ của họ những phụ cấp hoặc quyền lợi đặc thù của họ. Còn hệ lụy về pháp lí, những quyết định, bằng cấp họ đã kí khi còn đương chức có còn hiệu lực khi họ bị xóa tư cách cán bộ?

“Việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm rất khó giải thích về mặt pháp lí thế nào là tư cách chức vụ, bởi trong các văn bản bổ nhiệm của các chức vụ hiện nay không có chỗ nào dùng từ khái niệm là “tư cách chức vụ”. Thứ hai, quy định hình thức xử lí kỉ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ Luật Hình sự và các quy định về xử lí kỉ luật đối với cán bộ công chức, viên chức đương chức”, đại biểu Nguyễn Hồng Vân nói

Về xử lí kỉ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc xử lí kỉ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lí bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Do đó, đề xuất quy định trong Luật nguyên tắc chung trong xử lí kỉ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lí kỉ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lí kỉ luật bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.