Thế nào là người có tài?

Thứ năm, 24/10/2019, 16:34 PM

Khái niệm về người có tài năng thu hút nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội khi góp ý về dự án Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

the-nao-la-nguoi-co-tai
Đại biểu Lê Thanh Vân.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là khái niệm về người có tài năng thu hút nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhận xét, chính sách hiện hành ràng buộc nên nhiều nhân tài được thu hút và nhiều du học sinh sau khi ra trường không thể làm việc được ở các cơ quan nhà nước do không đậu ở kỳ thi công chức hoặc do các cơ quan phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.

“Thực tiễn ấy làm lãng phí tiền của đào tạo, lãng phí chất xám, tuổi thanh xuân đang hừng hực muốn đóng góp cho xã hội”, ông nhấn mạnh.

Cũng phát biểu về vấn đề này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phản ánh, chúng ta từng nghe dư luận xã hội phản ánh không tin vào việc người tài được trọng dụng, cho rằng vào được bộ máy nhà nước là phải có những thứ như tiền tệ, quan hệ, hậu duệ.... Đồng thời cho rằng, những người có tài năng thường không hay đòi hỏi chính sách cho mình, họ chú tâm làm việc trách nhiệm, đam mê công việc.

Theo bà, để thực hiện đúng bản chất việc trọng dụng người tài thì cần bổ sung cơ chế để phát hiện người có tài năng, cơ chế ràng buộc trách nhiệm với những người có trách nhiệm thực hiện chính sách trọng dụng người có tài năng đồng thời cần xử lý trách nhiệm việc không thực hiện chính sách.

Với tư cách người đứng đầu cơ quan tổ chức, đại biểu đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định “cái cần nhất là ý thức trách nhiệm trong công việc, còn tài năng xuất chúng mấy mà không có ý thức trách nhiệm thì chả làm gì”.

Về tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức, đại biểu cho rằng quy định tại dự luật không có gì mới, không giải quyết được vấn đề.

Từ bài học chọn nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhắc lại, xưa kia Bác Hồ căn cứ theo 3 tiêu chí là: Hỏi bạn học xem người ấy có giỏi không, những người mà cạnh tranh thừa nhận người ấy giỏi là người ấy giỏi. Hỏi hàng xóm xem người ấy có hiếu nghĩa với cha mẹ, hiếu lễ với anh em, có tình nghĩa với hàng xóm không, người ấy là người có đức. Vấn đáp xem người ấy hiểu biết về tình hình thế giới, chính sự thế nào, lòng dân ra sao; giao trọng trách có đảm nhận được không, nếu như hoàn thành người ấy là người có tài.

“Ba tiêu chí của Bác Hồ chính là tiêu chí hiền tài mà chúng ta cần. Thế hệ cán bộ do Bác lựa chọn cũng chính là thế hệ cán bộ đã đi vào lịch sử nước ta, giản dị như vậy thôi, nhưng Điều 6, dự thảo luật chưa định nghĩa được thế nào là người tài” - đại biểu nêu rõ.

Từ đó, đại biểu đề nghị, cần phân loại người tài theo từng lĩnh vực cụ thể, trong chính trị đó là người khởi xướng chính sách, trong điều hành phải tinh thông luật pháp để vận hành bộ máy; trong khoa học phải có phát minh sáng kiến, trong lao động phải lành nghề, có biệt tài làm ra sản phẩm đặc thù, trong văn hóa nghệ thuật có tác phẩm để lại cho muôn đời.

the-nao-la-nguoi-co-tai
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tranh luận. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tranh luận lại với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) đặt vấn đề, có rất nhiều tỉnh, TP trải thảm đỏ mời thạc sỹ, tiến sỹ làm việc cho tỉnh mình. Có nhiều tỉnh, TP có chương trình đào tạo nhân tài từ nước ngoài đào tạo thạc sỹ tiến sỹ, nhưng thử hỏi xem có bao nhiêu phần trăm thạc sỹ, tiến sỹ đó thực sự đóng góp được cho tỉnh, TP đó?

Đại biểu phát biểu: Người giỏi, người có khả năng, nhân tài muốn phát triển được cần có môi trường tốt; muốn có hạt giống tốt phải gieo đất tốt mới đơm hoa kết trái, tạo mùa bội thu. Tuy nhiên hạt giống tốt, đất tốt, nhưng tâm không tốt thì sao. Có nhiều người giỏi nhưng không đủ nhiệt huyết, cống hiến họ không đưa ra được sáng kiến đề tài tốt cho xã hội. Thậm chí có cả ba yếu tố đó nhưng tâm đóng góp của họ không cho đất nước mà cho cá nhân, quyền lợi nhóm thì có cũng không phải là người tài mà chúng ta công nhận”.

Trái với ý kiến đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đặt băn khoăn về sự cần thiết của việc định nghĩa “Thế nào là người tài”?

“Sáng giờ có rất nhiều đại biểu phát biểu về Điều 6, băn khoăn thế nào là người tài? Qua các phát biểu nhiều chiều của các đại biểu, tôi cảm thấy chột dạ thế chúng ta có cần thiết phải có một điều khoản ghi vào "Thế nào là nhân tài hay không?”, đại biểu Sơn đặt câu hỏi

Rồi ông nêu quan điểm: “Tôi nghĩ là chúng ta không thể có một định nghĩa nào hoàn hảo cho khái niệm nhân tài. Cho nên tôi nghi ngờ về sự cần thiết phải có điều 6 trong Luật này, đề nghị các đồng chí xem lại.

Việc thứ hai cũng từ điều 6 này, có một câu hỏi đặt ra, chúng ta đưa vào điều 6 này để lựa chọn nhân tài, xong rồi chúng ta làm gì đây? Tôi không thấy đề cập trong này”.

the-nao-la-nguoi-co-tai
Đại biểu Dương Trung Quốc

Tranh luận lại với các đại biểu, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, "quan trọng trong dự án luật là dùng đúng người, đúng chỗ, chúng ta chỉ bàn về công chức, viên chức trong dự án luật này, chứ không phải coi tài năng trong công chức, viên chức là kiệt nhân, kiệt xuất".

“Theo quan điểm của tôi, chữ nhân tài nên hiểu là năng lực của mỗi con người. Các cụ của chúng ta có câu rất đơn giản "Dụng nhân như dụng mộc", tức là dùng đúng người đúng chỗ. Tôi cho rằng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy! Tại sao dùng người này vào việc này, người kia vào việc kia. Đấy là cách nhận thức, tôi nghĩ bộ máy công chức rất cần những yếu tố đó.

Chứ còn những cái hiểu theo nghĩa theo nhân tài là xuất chúng, là kiệt xuất, là thiên tài thì nó không nằm trong cái phạm vi của Luật này”, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.