Cuộc tranh quyền ‘chẳng để làm gì’ của Tổng thống tự xưng Venezuela ở nước ngoài

Thứ năm, 18/04/2019, 10:15 AM

Theo Wall Street Journal, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đang tung người ra nước ngoài tranh giành quyền lực với Tổng thống Nicolás Maduro tại các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, dù có tranh được, Guaido dường như cũng chẳng có quyền gì.

tổng thống tự xưng Venezuela Guaido
Tổng thống tự xưng Venezuela Guaido.

Khi ông Humberto Calderón được bổ nhiệm làm đại sứ mới của Venezuela tại Colombia sau khi nước này công nhận tổng thống tự xưng Venezuela Guaido, thông thường văn phòng của ông sẽ cấp hộ chiếu, thúc đẩy các giao dịch thương mại, liên lạc giữa Caracas và Bogotá cũng như thực hiện các nhiệm vụ lãnh sự khác. Tuy nhiên, điều đó là không thể bởi Tổng thống Nicolás Maduro vẫn đang kiểm soát Venezuela và bộ máy nhà nước.

“Chúng tôi không có công cụ. Chúng tôi không có cơ sở dữ liệu”, ông Calderon nói từ một phòng hội nghị của khách sạn Bogotá nơi đang được dùng làm văn phòng tạm thời của ông. “Nhưng chúng tôi làm những gì có thể”, Calderon nói.

Cuộc đấu tranh giữa Tổng thống Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đang khá căng thẳng ở nước ngoài khi đặc phái viên của Guaido tìm cách chiếm chỗ các đại diện ở ông Maduro ở các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế.

Hiện nhiều quốc gia trong số 54 quốc gia công nhận tổng thống tự xưng Venezuela đã bắt đầu xây dựng một số mối quan hệ với Venezuela thông qua các đại diện của ông Guaido. Tuy nhiên, các tổ chức như Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế vẫn công nhận ông Maduro. Và trong hầu hết các trường hợp, các đặc phái viên của ông Guaido không có chút ảnh hưởng và quyền lực nào mà chỉ là những “bù nhìn”.

Geoff Ramsey, một nhà phân tích Venezuela cho Văn phòng Washington của Nhóm chính sách Mỹ Latinh cho rằng điều đó đã tạo ra một số “tập phim kỳ lạ”.

Costa Rica, nơi công nhận ông Guaido, đã cho các nhà ngoại giao của ông Maduro 60 ngày để rời đại sứ quán, tính từ cuối tháng 1/2019 khi Guaido tự xưng là tổng thống Venezuela. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, đặc phái viên của ông Guaidó, María Faría, đã xông vào tòa nhà để chiếm quyền, đuổi đội ngũ của ông Maduro. Sau những phản đối từ chính phủ Costa Rica, bà Faría đã rút lui và cho phép người của ông Maduro trở lại.

Lo sợ một sự chiếm đoạt tương tự ở Đại sứ quán Venezuela tại Washington, tháng trước, các nhân viên ở đây đã cho phép các nhà hoạt động ủng hộ ông Maduro, bao gồm cả người Mỹ, ở lại qua đêm trong tòa nhà. Họ được trang bị túi ngủ và đồ ăn nhẹ, nằm dưới những chiếc ghế dài bên dưới cờ Venezuela và chân dung của ông Maduro trong văn phòng đại sứ.

Một trong những người ở lại, Medea Benjamin, đồng sáng lập của Code Pink - nhóm Chống chiến tranh của Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra một mạng lưới khẩn cấp để chống lại mọi nỗ lực chiếm đoạt đại sứ quán”.

Trở lại câu chuyện ở Colombia, Tổng thống Maduro đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao của mình về nước sau khi đột ngột cắt đứt quan hệ với chính phủ của Tổng thống Iván Duque hồi tháng Hai.

Dù vậy, ông Humberto Calderón, đại diện của ông Guaido, người tiếp quản vị trí gần như không có thực quyền gì. “Đại sứ quán” của ông không thể gia hạn hộ chiếu, không cấp được các loại giấy tờ trong phạm vi quyền hạn...

Anh John Jairo Muñoz cho biết đã đến Đại sứ quán Venezuela ở thủ đô Bogotá của Colombia vào một buổi sáng gần đây để làm giấy tờ kết hôn nhưng không được. Cuối cùng ông phải tìm cách xin giấy tờ từ Venezuela. “Ông Guaido thực sự không phải là tổng thống. Tổng thống kiểm soát mọi thứ ở Venezuela vẫn là ông Maduro”, Munoz nói.

Đó là lý do tại sao hầu hết các quốc gia công nhận Guaido vẫn để các nhà ngoại giao của ông Maduro làm việc. Nhà phân tích Ramsey gọi tình trạng của ông Guaido là “tiến thoái lưỡng nan”.

“Các quốc gia cần làm việc với cơ quan thực tế”, ông Ramsey nói và gọi kịch bản này là một trong những rủi ro lớn nhất đối với việc thúc đẩy quyền lực của ông Guaido.

Hiện tại, các đại diện của ông Guaidó đang phải làm việc từ phòng khách sạn, các khu nhà đi mượn, các quán cà phê, David Smolansky, một đồng minh của lãnh đạo phe đối lập, đang làm việc về các vấn đề tị nạn tại Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ (OAS) ở Washington, cho hay.

Ngoài ra, ở các tổ chức quốc tế, đại diện của tổng thống tự xưng Venezuela Guaido cũng không dễ dàng gì có thể thay thế những người của chính phủ Maduro.

Hồi tháng Ba, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, nguồn tài trợ phát triển lớn nhất cho Châu Mỹ Latinh và Caribean đã hủy cuộc họp thường niên sau khi Trung Quốc, nước ủng hộ ông Maduro, từ chối công nhận phái viên của tổng thống tự xưng Venezuela Guaido dù nhiều thành viên khác đã đồng ý.

Michael Schifter, chủ tịch Đối thoại Liên Mỹ, một nhóm chính sách của Washington, nói: “Toàn bộ chiến lược này được thúc đẩy bởi ý nghĩa này rằng nếu họ chỉ định tất cả những người này và thành lập một chính phủ song song thì nó sẽ trở thành chính phủ thực sự. Nhưng điều đó đã không xảy ra, vì vậy đây là một sự bế tắc”.

 

Tình hình Venezuela ngày 17/4: Iran muốn cử Vệ binh Cách mạng bảo vệ Tổng thống Maduro

Tehran đề nghị cử Vệ binh Cách mạng Iran, lực lượng bị Mỹ coi là khủng bố, tới Venezuela để bảo vệ Tổng thống Maduro, Channel 13 đưa tin.

 

Tình hình Venezuela ngày 16/4: Bắc Kinh nói ông Pompeo ‘mất trí’, Mỹ lên kế hoạch quân sự đối phó Nga và Trung Quốc

Lầu Năm Góc đang phát triển các phương án quân sự mới về Venezuela nhằm ngăn chặn sự hỗ trợ của Nga, Trung Quốc, Cuba đối với Tổng thống Maduro. Trong khi đó, Trung Quốc lên án những chỉ trích của Mỹ.

 

Tình hình Venezuela ngày 15/4: Hàng chục quan chức Mỹ bàn cách tấn công, ông Pompeo tới sát biên giới Venezuela

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã tổ chức một cuộc họp bí mật về cách dùng vũ lực đối với Venezuela, RT dẫn lời nhà báo điều tra Max Blumenthal cho hay.