Triệu chứng bệnh COVID-19 có thể tồn tại trong 12 tuần

Thứ tư, 07/04/2021, 19:00 PM

Một nghiên cứu tại Anh cho thấy 13,7% số người tham gia có các triệu chứng COVID-19 trong ít nhất 12 tuần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghiên cứu do Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) thực hiện với sự tham gia của 21.622 người mắc COVID-19 từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021.

Kết quả cho thấy, 13,7% số người tham gia có các triệu chứng COVID-19 trong ít nhất 12 tuần.

Có 13 triệu chứng phổ biến, trong đó có mệt mỏi, đau cơ, khó tập trung, mất vị giác và khứu giác.

Tình trạng triệu chứng COVID-19 tồn tại dai dẳng được goi là "COVID-19 lâu khỏi."

Các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ các triệu chứng COVID-19 tồn tại dai dẳng ở phụ nữ cao hơn ở nam giới, lần lượt là 14,7% và 12,7%.

Những người ở độ tuổi 35-49 tuổi có nguy cơ cao nhất tồn tại các triệu chứng nhất 5 tuần, với 25,6%.

ONS cho biết trong một khảo sát quy mô lớn hơn, có 1,1 triệu người cho biết họ mắc các triệu chứng COVID-19 trong hơn 4 tuần.

Theo ông Ben Humberstone, một quan chức của ONS, các triệu chứng COVID-19 tồn tại dai dẳng là một hiện tượng mới xuất hiện chưa được nghiên cứu kỹ.

Anh là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Nước này đã ghi nhận gần 127.000 ca tử vong trong số 4.350.266 ca mắc. Tuy nhiên, số ca mắc mới và tử vong đang giảm dần trong bối cảnh Chính phủ Anh triển khai mạnh mẽ chương trình tiêm vaccine.

Trong một diễn biến liên quan khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/4 xác nhận khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người sang một số loại vật nuôi và động vật hoang dã như chó, mèo, chồn, chó gấu trúc, sư tử và hổ, đồng thời cho biết đang nghiên cứu ảnh hưởng của virus đối với các loài động vật khác.

Đại diện WHO tại Nga Melita Vujnovic nêu rõ: “Virus SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu từ người sang người nhưng đã có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang động vật.

Một số động vật như chó, mèo nhà, chồn, sư tử, hổ và chó gấu trúc tiếp xúc với người mắc bệnh, đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện chúng tôi đang tiền hành nghiên cứu ảnh hưởng của virus đối với các loài động vật khác”.

Tuy nhiên, theo bà Vujnovic, hiện vẫn chưa xác định được “vật chủ trung gian”.

Ngoài ra, chuyên gia y tế này cho rằng điều quan trọng là phải biết những loài động vật nào dễ nhiễm virus nhất để tìm ra các ổ dịch từ động vật tiềm tàng và tránh những đợt bùng phát trong tương lai.

Hơn nữa, theo bà Vujnovic, WHO khuyến cáo những người dương tính với virus SARS-CoV-2 nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi. Do virus dịch chuyển trong người và động vật nên gene của virus có thể biến đổi và khiến cho việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này trở nên phức tạp.