Trung Quốc bí mật thử laser dò tàu ngầm trên Biển Đông

Thứ sáu, 04/10/2019, 06:31 AM

Bắc Kinh đang từng bước hiện thực hóa việc chế tạo một vệ tinh có thể phát hiện tàu ngầm ở độ sâu tới 500m - sâu hơn bất kỳ khả năng hoạt động nào của tàu ngầm quân sự hiện có.

Trung Quốc bí mật thử laser dò tàu ngầm trên Biển Đông
Mô phỏng hệ thống vệ tinh phát hiện tàu ngầm của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình

Thiết bị được đặt trên máy bay này đã được thử nghiệm thành công tại một khu vực bí mật trên Biển Đông hồi tháng 4 năm nay, báo South China Morning Post(SCMP) ngày 3-10 đưa tin.

Công nghệ quét laser từ trên không (Lidar) là một khái niệm không còn mới mẻ và đã được Mỹ, Nga theo đuổi từ lâu. Về lý thuyết, Lidar có thể phát hiện tàu ngầm trong lòng biển nhờ bộ phát chùm laser có độ sáng gấp 1 tỉ lần ánh sáng mặt trời.

Tuy nhiên, hạn chế của công nghệ này là dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện như mây mù, môi trường nước, sinh vật biển. Quân đội Mỹ đã thử nghiệm Lidar từ lâu nhưng độ sâu phát hiện vật thể chưa đầy 200m.

Thêm vào đó, để chùm sáng có thể đi sâu vào lòng biển cần phải có nguồn phát mạnh. Nhưng các nguồn phát mạnh như vậy thường rất cồng kềnh và không thể đưa lên máy bay hoặc vệ tinh. Đây cũng là một trong những hạn chế của Lidar.

Nhóm nghiên cứu từ Viện Quang học và Cơ học Thượng Hải khẳng định thiết bị của họ có thể làm tốt hơn như thế khi tăng độ mạnh của chùm sáng và sử dụng các ánh sáng xanh lá, xanh lam để giúp nó tiến sâu dễ dàng vào lòng biển.

Kết quả là nhóm phát hiện được các mục tiêu ở độ sâu hơn 160m, một con số mà họ khẳng định là gấp đôi khả năng của các thiết bị tương tự trên thế giới. Chi tiết về môi trường nước, điều kiện thời tiết và độ cao thiết bị không được tiết lộ.

Báo SCMPlưu ý về bức ảnh được nhóm nghiên cứu công bố cho thấy chiếc máy bay chở họ đang bay trên mây, nghĩa là thí nghiệm đã được thực hiện ở độ cao từ 500 đến 1.000m.

Trung Quốc bí mật thử laser dò tàu ngầm trên Biển Đông
Hình ảnh thiết bị laser phát hiện tàu ngầm được đặt trên máy bay của nhóm nghiên cứu Thượng Hải - Ảnh chụp màn hình

Viện Quang học và Cơ học Thượng Hải có liên quan tới chương trình Guanlan, một dự án đầy tham vọng của Trung Quốc khi muốn chế tạo ra một vệ tinh có thể phát hiện tàu ngầm ở độ sâu 500m bằng tia laser.

Hồi năm ngoái, khi thông tin về dự án này được lan truyền, nhiều ý kiến đã nghi ngờ tính khả thi của nó. Một trong số đó hoài nghi liệu Trung Quốc có đủ khả năng tạo ra một nguồn phát laser đủ mạnh để xuyên qua tất cả mây mù từ khoảng cách hàng trăm km và đi sâu vào lòng biển.

Thử nghiệm của nhóm nghiên cứu Thượng Hải dường như là câu trả lời mang tính đáp trả. Không ngạc nhiên khi giới khoa học Trung Quốc tung hô điều này, cho rằng giai đoạn tàng hình của tàu ngầm đã tới hồi cáo chung.

Có nhiều cách để phát hiện tàu ngầm ẩn nấp trong lòng biển mà phổ biến nhất là sử dụng sóng dò sonar chủ động hoặc thụ động để lắng nghe các âm thanh từ tàu ngầm đối phương.

Để đối phó điều này, các vật liệu cách âm hoặc hấp thụ âm thanh được chế tạo riêng cho tàu ngầm. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc chạy đua phát triển thiết bị phát hiện tàu ngầm bằng laser.

Lidar có tiềm năng được ứng dụng trong cả quân sự lẫn dân sự, chẳng hạn khảo sát địa hình đáy biển hay vẽ lại bản đồ độ cao đất liền trong thời gian ngắn gấp nhiều lần các phương pháp đo đạc truyền thống.