Trung Quốc đã phong tỏa 8 thành phố

Thứ sáu, 24/01/2020, 12:00 PM

Chính phủ Trung Quốc sáng 24/1 thông báo cách ly thêm 5 thành phố, nâng số thành phố bị phong tỏa lên 8, nỗ lực ngăn chặn dịch viêm phổi do virus corona.

 

 

Rào chắn trước sân ga Hankou, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Reuters

Lệnh cấm người dân di chuyển "nội bất xuất ngoại bất nhập" được thực hiện đối với các thành phố Vũ Hán, Hoàng Cương, Ngạc Châu, Xích Bích, Tiên Đào, Tiềm Giang, Chi Giang, Lợi Xuyên. Động thái này được coi là cần thiết, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán.

Các chuyến tàu và máy bay ra vào thành phố Vũ Hán bị đình chỉ vô thời hạn. Tuyến đường cao tốc ra khỏi thành phố bị đóng cửa. Tại thành phố Hoàng Cương, nhiều nhà hát, quán cà phê, trung tâm thương mại cũng vắng ngắt.

Lực lượng chức năng và đội SWAT được điều động để canh gác bên ngoài các sân ga. Chỉ những du khách cầm tấm vé cho chuyến tàu cuối cùng vào ngày 23/1 với được phép ra vào nhà ga.

Trung Quốc cũng sẽ đóng cửa Tử Cấm Thành tại Bắc  Kinh, một trong những địa điểm văn hóa nổi tiếng nhất đất nước ,do lo ngại lây truyền virus nCoV. 

Sáng 24/1, Trung Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên ngoài ổ dịch Vũ Hán mắc bệnh viêm phổi. Bệnh nhân ở tỉnh Hà Bắc, là một cụ ông 80 tuổi, sinh sống tại Vũ Hán hơn hai tháng, sau đó trở về Hà Bắc trong dịp Tết Nguyên đán. Giống như các ca tử vong khác, người này có tiền sử bệnh tật như huyết áp cao, viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng.

Tờ Nhật báo Hà Bắc cho biết 76 người tiếp xúc với bệnh nhân cũng được điều trị cách ly, hiện không ai có biểu hiện sốt.

Kể từ khi khởi phát vào ngày 31/12/2019, virus đường hô hấp nCoV thuộc họ Coronavirus đã cướp đi mạng sống của 25 bệnh nhân, lây nhiễm cho ít nhất 830 người, tính đến sáng 24/1. Bệnh đã lan sang nhiều nước gồm Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, theo dòng di chuyển của người Vũ Hán hoặc người từng đến Vũ Hán và lây bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh là chủng virus thuộc họ Corona chưa từng được biết đến, được đặt tên là nCoV, gây bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá hình hình bệnh hiện diễn ra chủ yếu ở Trung Quốc nên chưa đến mức công bố đại dịch khẩn cấp toàn cầu. 

Tranh cãi về lệnh phong tỏa

 

 

Bản đồ các khu vực có người nhiễm nCOV-2019, hay virus corona. Đồ họa: Vnexpress.

Vũ Hán là thành phố đầu tiên bị phong tỏa. Giới chuyên gia cho rằng việc giữ hàng triệu người trong thành phố Vũ Hán không giúp kìm hãm virus corona, nhưng có thể làm chậm quá trình lây lan.

"Đó là quyết định vô cùng quyết liệt, nhưng không hiệu quả", bác sĩ người Canada Neil Rau, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, đánh giá. "Biện pháp này không thực sự ngăn chặn được những loại virus dễ lây lan. Trong trường hợp virus không dễ lây, biện pháp này quá đà và gây ra sự bất tiện vô cùng lớn".

Bác sĩ Rau cho rằng những biện pháp này có khả năng khiến người dân nghĩ mọi thứ tồi tệ hơn so với thực tế. "Không chỉ Vũ Hán, nó thậm chí sẽ gây hậu quả tiêu cực về kinh tế với ngành du lịch Trung Quốc", ông cho hay.

Bác sĩ Isaac Bogoch, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và sức khỏe toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Bệnh viện Đa khoa Toronto, cho biết lệnh phong tỏa tại Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân ở miền trung Trung Quốc, là "chưa từng thấy".

"Tôi chưa từng biết tới lệnh cấm di chuyển nào được áp dụng trên quy mô dân số lớn đến vậy. Tôi không nghĩ biện pháp đó hiệu quả, nhưng ít nhất có thể làm chậm sự lây lan", Bogoch nhận định.

Chuyên gia này gợi nhắc đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hồi năm 2002 - 2003, khởi phát từ Hong Kong và lan tới 37 quốc gia, cũng do một chủng virus thuộc họ corona. Để đối phó dịch bệnh, chính phủ Canada đã cách ly khoảng 25.000 cư dân trong khu vực Toronto mở rộng. Tuy nhiên, nỗ lực này cuối cùng gây lãng phí ngân sách và nhân lực bởi không phát hiện ca bệnh nào.

Biện pháp hạn chế di chuyển hoặc phong tỏa đã được áp dụng hàng thế kỷ nhằm ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi hồi năm 2014, Sierra Leone áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong ba ngày để đội ngũ y tế tới từng nhà tìm kiếm trường hợp nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cách này cũng đạt hiệu quả cao. Hồi năm 2009, khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện, một số quốc gia áp lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ Mexico. Một nghiên cứu hai năm sau đó chỉ ra rằng nó chỉ giúp dịch bệnh lan sang các nước khác chậm hơn khoảng ba ngày.

"Những biện pháp hạn chế đó không giúp ngăn chặn dịch bệnh. Virus có khả năng lây lan thành quy mô đại dịch trong thời gian ngắn", các tác giả của nghiên cứu trên viết.

Trước đó, một nghiên cứu vào năm 2006 về các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1 cũng kết luận "việc hạn chế di chuyển sau khi phát hiện dịch bệnh có khả năng trì hoãn quá trình lây lan một khoảng thời gian ngắn, nhưng không tác động tới số lượng ca nhiễm bệnh cuối cùng".

Mặc dù vậy, Jonathan Ball, giáo sư ngành virus học tại Đại học Nottingham, Anh, vẫn ủng hộ biện pháp phong tỏa. "Cho đến khi tình hình được làm rõ hơn, tôi nghĩ phong tỏa là cách đối phó hợp lý. Bất cứ động thái nào nhằm giới hạn di chuyển khi dịch bệnh diễn ra đều sẽ phát huy hiệu quả", Ball nói, nhưng lưu ý chính quyền nên đặt ra giới hạn thời gian với lệnh phong tỏa.