Mỹ - Trung hạ nhiệt thương chiến: Lý do là gì?

Thứ sáu, 30/08/2019, 11:23 AM

Có nhiều lý do để Trung Quốc dù vẫn còn "bài" để đối phó với Mỹ trong thương chiến vẫn sẽ dịu giọng. Bắc Kinh hiểu rõ: "Trạng chết, Chúa cũng sẽ băng hà".

trung-quoc-va-my-ha-nhiet-thuong-chien-ly-do-la-gi
Trung Quốc và Mỹ liên tục "vờn" nhau trong cuộc thương chiến. Ảnh minh họa.

Đầu tháng 8, Mỹ đã công bố vòng áp thuế quan mới lên 300 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực vào tháng 9 và tháng 12. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố tăng thuế với 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế đối với khoảng 250 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 25% lên 30% kể từ ngày 1/10. Dư luận ngay lập tức lo lắng về một cuộc thương chiến không khoan nhượng trong tương lai.

Tuy nhiên, hai ngày gần đây, mọi thứ đã được hạ nhiệt.

Hai bên cùng hạ giọng

Ngày 29/08, phát biểu với các phóng viên tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói rằng: "Trung Quốc có nhiều lí do để trả đũa, nhưng cho rằng điều nên được thảo luận hiện tại là dỡ bỏ thuế quan mới và ngăn chặn sự leo thang của cuộc chiến thương mại”.

Ông Cao Phong cũng cho biết, "việc leo thang cuộc chiến thương mại sẽ không có lợi cho Trung Quốc, Mỹ, hay thế giới. Và vấn đề quan trọng nhất là tạo ra những điều kiện cần thiết để tiếp tục đàm phán”.

Theo Bloomberg, ông cũng nhắc lại phát biểu hôm 26/8 của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua sự tham vấn và hợp tác với thái độ bình tĩnh, nhưng chắc chắn phản đối việc leo thang thương chiến.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc đồng thời thông tin hai bên đang thảo luận về cuộc gặp trực tiếp vào tháng 9.

Các phát biểu của ông Cao được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Ngay lập tức, về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng tỏ ra mềm mỏng hơn. Hôm qua, thứ Năm ngày 29/8, ông Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ đối thoại về thương mại trong ngày hôm nay. Tuy nhiên ông không công bố thêm chi tiết.

 
Lý do kiềm chế?

Trung Quốc đã luôn đáp trả mọi vòng áp thuế quan trước đó của Mỹ, vì vậy việc không phản ứng lại lần này có thể là dấu hiệu của một sự thay đổi trong chiến lược chính trị. Điều này cho thấy dường như giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã quay trở lại với lập trường thái độ bình tĩnh. Tuy nhiên, cũng có thể đó là phản ứng đối với hiện thực kinh tế và chính trị mà Bắc Kinh đang phải đối mặt. Trên thực tế, sau khi Trung Quốc nâng cấp biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, đã xảy ra một số vấn đề đáng chú ý. 

Thứ nhất, phía Mỹ ra đòn trả đũa nhanh, mạnh vượt dự kiến đối với hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc mất hơn 3 tuần để đưa ra đòn trả đũa đối với việc ông Trump quyết định áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 (sau đó phân làm 2 đợt, lần lượt có hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12/2019).

Tuy nhiên, ông Trump chỉ mất khoảng 10 tiếng đồng hồ để đưa ra đòn trả đũa với quyết định áp thuế nhằm vào 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ của Trung Quốc. Hơn nữa, mức thuế mới đều được nâng lên, bao phủ gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hằng năm. Thậm chí, ông Trump còn để ngỏ khả năng vận dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế quốc tế khẩn cấp (IEPPA) năm 1997 để ra lệnh cho doanh nghiệp Mỹ tìm nơi thay thế Trung Quốc.

Thứ hai, trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Pháp, không có một quốc gia nào đứng về phía Trung Quốc hay nghi ngờ hành động leo thang thuế quan của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Bắc Kinh rõ ràng đã bị cô lập.

Thứ ba, sau khi Mỹ-Trung leo thang biện pháp thuế quan nhằm vào nhau, thị trường vốn của hai nước đều bị chấn động mạnh. Trong đó, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc ngày 26/8 tái diễn cảnh rơi thẳng đứng, có lúc áp sát mức 7,2 NDT đổi 1 USD, là mức thấp nhất trong hơn 11 năm.

Theo nhà phân tích Lý Nhược Phàm thuộc Ngân hàng OCBC Wing Hang ở Hong Kong (Trung Quốc), nếu tình hình tiếp tục xấu đi, không loại trừ khả năng trong ngắn hạn, tỷ giá đồng NDT sẽ thử thách ngưỡng 7,3 NDT đổi 1 USD. 

Một khi kỳ vọng về sự phá giá đồng NDT được hình thành, làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc trong quá khứ sẽ tái hiện, không chỉ bào mòn dự trữ ngoại tệ, mà còn đặt hệ thống tài chính của nước này trước thách thức lớn.

Về phía Mỹ, ông Trump đang chịu nhiều áp lực từ các Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa và nhiều người khác khẳng định rằng thương mại đang tác động khiến cho kinh tế Mỹ chững lại. Một báo cáo khác vào đầu ngày thứ Năm cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đi xuống mạnh trong quý 2/2019, mức suy giảm cao hơn dự báo của giới chuyên gia. Điều này cho thấy những hành động của Tổng thống Mỹ đang gây ra nhiều áp lực lên tăng trưởng kinh tế Mỹ.

 

Thương chiến Trung Mỹ: Việt Nam đối đấu với 'đội lốt thương mại'

Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, ở thế mắc kẹt Việt Nam được cho đang đối mặt với vấn đề "đội lốt thương mại, đầu tư".

 

Báo Trung Quốc: Bắc Kinh sẽ dạy cho Mỹ biết thế nào là thương chiến

Những ngày gần đây, cả Global Times và People’s Daily của Trung Quốc đều đăng tải những bài viết chỉ trích quyết định tăng thuế của Mỹ cũng như thể hiện quyết tâm cho Mỹ biết thế nào là thương chiến.