Trung Quốc gay gắt phản đối Nhật Bản vì đổi tên khu vực tranh chấp

Thứ hai, 22/06/2020, 18:39 PM

Trung Quốc nói việc Nhật Bản thông qua dự luật đổi tên liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Sensaku "thách thức nghiêm trọng" chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Hôm nay (22/6), ngay sau khi thành phố Ishigaki, Nhật Bản đổi tên một khu vực thuộc quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối gay gắt và cảnh báo sẽ có những phản ứng tiếp theo.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 22/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, việc phía Nhật Bản thông qua dự luật đổi tên liên quan đến quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) là sự "thách thức nghiêm trọng" đối với chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, là hành vi "phi pháp" và "vô giá trị". Đồng thời, khẳng định quyết tâm và ý chí không thay đổi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng bày tỏ sự "kiên quyết phản đối" trước quyết định của Nhật Bản, cho biết đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Tokyo qua con đường ngoại giao và tuyên bố sẽ "bảo lưu quyền đưa ra những phản ứng tiếp theo".

Trước đó, cùng ngày, Hội đồng thành phố Ishigaki, Nhật Bản đã thông qua một dự luật, đổi tên khu vực nằm ở miền Nam Nhật Bản, thuộc quần đảo Senkaku, từ "Tonoshiro" thành "Tonoshiro Senkaku", có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.

Được biết, Thị trưởng thành phố Ishigaki đã đệ trình dự luật đổi tên nói trên sau khi các tàu cá của Nhật Bản bị các tàu tuần tra Trung Quốc đuổi bắt trên vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku hồi đầu tháng 5. Việc làm này được cho là một động thái đáp trả của phía Nhật Bản.

Trước nhận định cho rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xoay quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa hai bên, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, mặc dù hai nước còn tồn tại các tranh chấp về lãnh thổ, nhưng hai bên đều ý thức được việc "kiểm soát bất đồng" và có thể "duy trì hiện trạng", nhằm tạo điều kiện cho hai nước giải quyết mang tính xây dựng các tranh chấp trong tương lai.

Bài liên quan