Trung Quốc vẫn chỉ có thể đứng nhìn quan hệ quốc phòng Philippines - Mỹ bền chặt

Thứ hai, 21/10/2019, 10:29 AM

Dù nỗ lực tăng cường quan hệ với Philippines, Trung Quốc vẫn chưa thể chạm được vào mối quan hệ quốc phòng Manila - Washington.

Các sĩ quan cao cấp của Mỹ, Philippines và Nhật Bản tại lễ khai mạc cuộc tập trận quân sự Kam Kamagag 2019.
Các sĩ quan cao cấp của Mỹ, Philippines và Nhật Bản tại lễ khai mạc cuộc tập trận quân sự Kam Kamagag 2019.

Tờ South China Morning Post ngày 20/10 cho hay kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền, đã có sự cải thiện đáng chú ý trong quan hệ ngoại giao song phương Philippines - Trung Quốc.

Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn thể hiện mong muốn thúc đẩy mối quan hệ song phương với nhiều thỏa thuận về kinh tế và thậm chí cả về khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Quan hệ Philippines - Trung Quốc được nâng cấp với những bước tiến nhảy vọt. Nó khác xa với cách thức trước đây của chính quyền ông Benigno Aquino. Khi đó, Philippines tránh xa đầu tư của Trung Quốc và kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông.

Hiện tại, đầu tư tư nhân từ Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bất động sản và sòng bạc, đã tăng vọt. Philippines nhiệt liệt chào đón các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh.

Hai nước cũng đã thành lập một liên minh ngoại giao thực tế trên các diễn đàn đa phương, bao gồm cả Liên Hợp Quốc.

trung-quoc-van-chi-co-the-dung-nhin-quan-he-quoc-phong-philippines-my-ben-chat
Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà quan hệ song phương vẫn bị đóng băng trong suốt thời gian đó. Đó chính là về mặt quân sự. Quân đội Philippines vẫn chưa ký bất kỳ thỏa thuận quốc phòng lớn nào với Trung Quốc dù Bắc Kinh liên tục đưa ra đề xuất viện trợ quân sự quy mô lớn.

Hai nước vẫn chưa tiến hành các cuộc diễn tập chống chiến tranh chung trên cơ sở song phương. Quân đội Trung Quốc cũng chưa có cơ hội đến thăm các căn cứ quân sự lớn của Philippines.

Cho đến nay, quân đội Trung Quốc mới được thực hiện các chuyến thăm xã giao tại các cảng hải quân và sân bay ở Davao, quê hương của ông Duterte.

Tuy nhiên, ngay cả những chuyến thăm hạn chế đó bị chỉ trích và tranh cãi trên khắp Philippines.

Bộ Quốc phòng Philippines, nơi nắm giữ quyền phủ quyết thực tế đối với các vấn đề chính sách đối ngoại, đã liên tục ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận các cảng chiến lược, đặc biệt là Subic – một cảng chiến lược ở Biển Đông.

Theo ông Richard Heydarian, Giáo sư chính trị tại Đại học hàng đầu Philippines De La Salle - học giả nghiên cứu uy tín về Biển Đông, quân đội Philippines vẫn coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu và đang tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ bất chấp chính sách thân thiện với Bắc Kinh của Tổng thống Duterte.

Dù ông Duterte thường công khai chỉ trích Mỹ và đòi cắt đứt mối quan hệ đồng minh với Mỹ, mối quan hệ quốc phòng song phương Mỹ - Philippines vẫn thực sự phát triển trong những năm gần đây.

Mối quan hệ đó đang ngày càng thắt chặt trong bối cảnh hỗn loạn và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Năm nay đã chứng kiến số lượng lớn nhất các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines, bao gồm các cuộc tập trận chống chiến tranh lớn chưa từng có.

Mối quan hệ quân sự nở rộ giữa Philippines và Mỹ đã thể hiện mâu thuẫn lớn nhất trong chính sách đối ngoại thân thiện với Bắc Kinh của ông Duterte.

AFP đã tăng gấp đôi hợp tác quốc phòng với Mỹ khi cảnh báo công khai các mối đe dọa của Trung Quốc đối với lợi ích của Philippines ở Biển Đông.

Trong một cuộc khảo sát gần đây, ông Heydarian cùng với đồng nghiệp Charithie Jaoquin từ Đại học Quốc phòng Philippines đã phát hiện ra rằng các nhà lãnh đạo mới nổi trong quân đội Philippines coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh đối ngoại hàng đầu của đất nước.

Mặc dù ủng hộ ngoại giao quân sự nhiều hơn với Trung Quốc, nhưng quan điểm phổ biến trong các sĩ quan cao cấp vẫn là coi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của đất nước.

Vì vậy, không có gì lạ khi Mỹ, Australia và Nhật Bản được hưởng quyền truy cập rộng rãi vào các căn cứ chiến lược ở Philippines, còn Trung Quốc vẫn đứng ngoài.

Trên thực tế, Lầu Năm góc đang được quyền tiếp cận nhiều hơn các căn cứ chiến lược của Philippines, bao gồm căn cứ không quân Antonio Bautista và căn cứ không quân Basa, nằm gần các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Mỹ cũng được quyền truy cập vào các căn cứ quan trọng khác như Khu quân sự Fort Magsaysay, Căn cứ không quân Lumbia và Căn cứ không quân Mactan Benito Ebuen.

Hiện tại, theo Lầu Năm góc, 12 dự án đang được tiến hành sẽ tăng cường lực lượng, cải thiện khả năng sẵn sàng tác chiến trong tương lai của hai bên và cải thiện tính linh hoạt trong hoạt động của liên minh.

Chỉ riêng năm 2019 đã diễn ra tới 280 hoạt động phòng thủ song phương, khiến Philippines trở thành nơi diễn ra nhiều cuộc tập trận song phương nhất trong hoạt động của Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc, kéo dài từ Chile đến Tanzania.

Trong những tháng gần đây, hai đồng minh cũng đã tiến hành hai cuộc tập trận giả định chiến tranh lớn.

Tháng 9/2019, họ đã tiến hành Cuộc tập trận chung AFP (AJEX-Dagit), cuộc tập trận chung trên không đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc tập trận được thiết kế đặc biệt để huấn luyện hỗ trợ cho các hoạt động chiến đấu quy mô lớn và đối mặt với các mối đe dọa quân sự trong các khu vực không thể sử dụng lục quân và hải quân.

Trong những ngày gần đây, hai đồng minh cũng đã tiến hành tập trận chống chiến tranh chung trên không và trên biển mang tên Kamagag (Venom). Kamagag cũng tập trung vào việc đáp trả phối hợp các mối đe dọa thông thường.

Nhìn bề ngoài, các cuộc tập trận chung có vẻ như diễn ra thường lệ và tập trung vào trợ giúp nhân đạo và các hoạt động cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng về cơ bản nhằm tăng cường khả năng tương tác trong trường hợp cần phản ứng đối với các mối đe dọa quân sự thực sự từ Trung Quốc.

Trong hơn hai năm kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, dù đã nỗ lực nhưng Trung Quốc vẫn chưa thể nào xen vào mối quan hệ quốc phòng Mỹ - Philippines.