Trúng thầu sữa học đường Hà Nội: Vinamilk sẽ cho ra mắt một sản phẩm sữa riêng biệt?

Thứ bảy, 01/12/2018, 06:26 AM

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội sữa sử dụng trong Chương trình Sữa học đường Hà Nội khác so với sữa tươi bán ở ngoài. Vậy phải chăng Vinamilk đơn vị trúng thầu sẽ cho ra mắt một sản phẩm riêng và chuyên biệt?

trung-thau-sua-hoc-duong-ha-noi-vinamilk-se-cho-ra-mat-mot-san-pham-sua-rieng-biet
Người dân băn khoăn sữa được Vinamilk sử dụng trong chương trình sữa học đường sẽ có gì khác biệt với sữa bán ở thị trường, nó có thực sự đặc biệt như ông Phạm Xuân Tiến nêu ra tại cuộc họp giao ban báo chí tháng 9 của Hà Nội không. Ảnh minh họa/ nguồn Vinamilk

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã trúng Gói thầu số 01 mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2018-2020 với giá trúng thầu 3.828.097 triệu đồng, đơn giá trúng thầu 6.286 đồng/hộp.

Cụ thể, theo Quyết định phê duyệt số 2484/QĐ-SGDĐT ngày 23/11/2018 của Sở GD&ĐT, Vinamilk là nhà thầu trúng Gói thầu số 01 Mua sữa với giá trúng thầu hơn 3,800 tỷ đồng, loại hợp đồng điều chỉnh theo đơn giá; thời gian thực hiện hợp đồng là từ khi hợp đồng có hiệu lực đến hết năm 2020.

Như vậy, so với giá gói thầu hơn 4.141 tỷ đồng, giá trúng thầu của Vinamilk giảm hơn 313 tỷ đồng đồng. Việc giảm giá này sẽ tiết kiệm khoảng 7,55% chi phí dự tính cho chương trình, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và cả phụ huynh học sinh.

Đơn giá trúng thầu của Vinamilk là 6.286 đồng/hộp, sản phẩm cung cấp là sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không đường, dung tích 180ml, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.

Theo nội dung Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, giá mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.

Ðối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% và doanh nghiệp hỗ trợ 50%, phụ huynh không phải đóng tiền.

Ngay từ khi chương trình được đưa ra nhiều phụ huynh băn khoăn về chất lượng sữa trong chương trình sữa học đường. Trước những lo lắng này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, sữa của chương trình Sữa học đường khác so với những sữa tươi đang bán trên thị trường, được dán tem riêng, không bán ngoài thị trường.

Tại buổi giao ban báo chí tháng 9/2018 ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sữa được dùng trong chương trình sữa học đường có sự khác biệt với sữa bình thường đó là được bổ sung thêm một số vi chất theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tăng chiều cao và phát triển thể lực cho trẻ và  lượng bổ sung phù hợp với từng lứa tuổi trong học đường.

vinamilk-trung-thau-sua-hoc-duong-ha-noi
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội sữa sử dụng trong Chương trình sữa học được Hà Nội khác so với sữa tươi bán ở ngoài. Vậy phải chăng Vinamilk đơn vị trúng thầu sẽ cho ra mắt một sản phẩm riêng và chuyên biệt?. Ảnh minh họa

Từ những phát biểu của Sở GD&ĐT có thể hiểu sữa sử dụng trong chương trình sữa học đường của Hà Nội sẽ là sản phẩm riêng biệt được sản xuất riêng với công thức và thành phần được bổ sung riêng mà chỉ sữa học đường mới có.

Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng Vinamilk sẽ sản xuất sản phẩm sữa chuyên biệt cho chương trình sữa học đường tại Hà Nội? Công thức sữa học đường tại Hà Nội giống và khác với sản phẩm hãng này đang cung cấp ra thị trường như thế nào? Sữa học đường Hà Nội có khác với sản phẩm sữa học đường các tỉnh khác hay không?

Ở khía cạnh người tiêu dùng phụ huynh cần được biết thông tin này để từ đó tin tưởng vào chất lượng sữa của chương trình.

Trước đó theo tìm hiểu, theo bản yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT Hà Nội (ngày 21/9/2018), sữa được cung cấp cho chương trình phải được bổ sung các vi chất. Cụ thể, trong 100 ml sản phẩm được bổ sung 3 vi chất với hàm lượng như sau: vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), canxi (114-150 mg). 

Tuy nhiên các chất bổ sung như trên cũng rất dễ tìm thấy trong nhiều sản phẩm sữa có trên thị trường. Như vậy sự chuyên biệt mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra chưa rõ ràng.

Thực tế một trong những bất cập trong quản lý chất lượng sữa học đường hiện nay là ngành Y tế chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường quốc gia, khiến cho các địa phương lúng túng trong việc lựa chọn loại sữa áp dụng cho chương trình.

Cụ thể, tại Quyết định 5450/QĐ-BYT (Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020), Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng quốc gia hoàn thành bộ vi chất bổ sung vào sữa học đường vào tháng 6/2017 để làm cơ sở ban hành quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn chung.

Chính vì bộ vi chất bổ sung cụ thể cho chương trình sữa học đường quốc gia chưa được công bố mà bám sát mục tiêu can thiệp dinh dưỡng được Chính phủ đặt ra cho sữa học đường.

Cụ thể, Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020) đặt mục tiêu về dinh dưỡng như sau: Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020. Đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, việc trẻ em Việt Nam thiếu vi chất gì là kết quả thống kê, nghiên cứu trong nhiều năm.

 

Chương trình sữa học đường Hà Nội: Phụ huynh băn khoăn việc đăng ký lại

Việc phát phiếu để phụ huynh đăng ký sữa cho chương trình sữa học đường trước thời điểm Hà Nội tổ chức đấu thầu khiến phụ huynh băn khoăn về việc sẽ phải đăng ký lại.

 

Ngân hàng BIDV nói gì khi cựu chủ tịch bị bắt?

Trước thông tin ông Trần Bắc Hà cựu Chủ tịch BIDV bị bắt, Ngân hàng BIDV khẳng định hoạt động của toàn hệ thống không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin này.

 

Yêu cầu áp thuế nhôm nhập từ Trung Quốc

4 doanh nghiệp trong nước yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm thanh định hình có xuất xứ từ Trung Quốc.