Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình có 'thoát nạn' nếu bị hại có đơn miễn truy cứu?

Thứ tư, 03/06/2020, 11:47 AM

Sau nhiều ngày điều khiển ô tô gây tai nạn chết người bỏ chạy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Điều bị đề nghị cách hết chức vụ.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Văn Điều gây ra tai nạn chết người.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Văn Điều gây ra tai nạn chết người.

Diễn biến mới nhất vụ án Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Điều gây tai nạn chết 1 người, bị thương 2 người rồi bỏ chạy vào đêm 8/5, đang được dư luận quan tâm.

Sau khi Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", vào chiều 2/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình triệu tập hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để xem xét, đề nghị kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Điều.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng hành vi vi phạm của của ông Điều là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và dư luận. Căn cứ các quy định về xử lý kỷ luật đối với đảng viên, xem xét các tình tiết giảm nhẹ, điều kiện hoàn cảnh, nhân thân cán bộ vi phạm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã thống nhất đề nghị thi hành kỷ luật cách hết chức vụ trong đảng đối với ông Điều.

Đáng chú ý, xuất hiện thông tin về việc đến nay các gia đình và người bị hại đều có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vị Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình sau vụ tai nạn.

Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi, việc gia đình bị hại có đơn đề nghị thì Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình sẽ bị xử lý thế nào? Liệu có thoát nạn?

Dưới góc độ pháp lý trao đổi với PV một số ĐBQH, luật sư cho rằng, việc vị Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình điều khiển ô tô gây tai nạn chết người là vụ việc nghiêm trọng. Không những vậy, theo tường thuật của báo chí và người dân, sau khi gây tai nạn chết người ông Điều thậm chí không dừng lại mà lái ô tô bỏ chạy và tiếp tục làm 1 người khác bị thương.

Hành vi vi phạm của ông Điều khá rõ ràng vì vậy cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh thượng tôn pháp luật, để pháp luật bình đẳng với mọi người. Việc gia đình bị hại có đơn miễn giảm chỉ là tình tiết giảm nhẹ, không vì thế mà không truy cứu.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Trong trường hợp gia đình người bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng vẫn cần khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Điều theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Sau khi lái xe gây tai nạn khiến một người chết, hai người bị thương, ông Nguyễn Văn Điều đã điều khiển xe bỏ chạy vào khu công nghiệp Phúc Khánh và bị người dân chặn cổng. Nhiều người dân phản ánh, ông Điều được cho là lái xe trong tình trạng say rượu.

Luật sư Cường cho rằng, đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy, không cứu giúp người bị nạn và lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu bia thì người điều khiển phương tiện sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định của pháp luật, thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự.

“Vụ án này đang trong giai đoạn điều tra, bởi vậy để có căn cứ khởi tố bị can đối với cá nhân nào thì cơ quan điều tra cần phải thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ để chứng minh cá nhân đó chính là người điều khiển chiếc xe này và có lỗi trong vụ tai nạn giao thông này.

Việc quyết định hình phạt sẽ do tòa án quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Mức hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, Luật sư Cường phân tích.

Trong khi đó, trên tờ Luật sư Việt Nam, luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Khi định lượng, xác định mức án cần xem xét về thái độ bất tuân pháp luật của người phạm tội vì đây là trường hợp hiểu biết pháp luật, nắm vị trí chủ chốt trong hệ thống lãnh đạo địa phương nhưng lại có dấu hiệu say xỉn khi tham gia giao thông, và bỏ chạy khi gây tai nạn nhằm che dấu hành vi phạm tội gây mất niềm tin nghiêm trọng nơi quần chúng nhân dân nên cần xử lý nghiêm.

Luật sư Bình đánh giá, cơ quan điều tra phải có nghĩa vụ điều tra, xác minh làm rõ dấu hiệu sử dụng bia rượu, dấu hiệu say xỉn khi tham gia giao thông như người dân phản ánh để làm rõ và áp dụng tình tiết tăng nặng định khung. Trường hợp này cần xử lý nghiêm minh, công bằng để làm gương và đảm bảo tính dân chủ, khách quan trong áp dụng pháp luật.

Gây tai nạn chết người trên đường bỏ chạy làm bị thương người khác

Theo báo Vietnamnet: Khoảng 18h10 tối 8/5, trên đường Trần Thủ Độ (đoạn đối diện cây xăng Phiệt Học, thuộc phường Tiền Phong, TP Thái Bình) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô BKS 29A-995.83 và 1 người đi xe đạp.

Vụ tai nạn khiến người đi xe đạp là bà Phạm Thị Ng. (SN 1957, trú tại tổ 10, phường Tiền Phong) bị văng ra xa, va đập với một xe máy và tử vong tại chỗ, người đi xe máy bị thương nặng.

Sau vụ tai nạn chết người, tài xế lái ô tô bỏ chạy, tông vào xe máy khác làm người lái xe máy bị văng ra lề đường. Sau đó, ô tô chạy tiếp về phía khu công nghiệp Phúc Khánh.

Bỏ chạy khoảng 3km, chiếc ô tô bị người dân đuổi kịp, hô hoán bảo vệ của khu công nghiệp Phúc Khánh đóng cổng ngăn chặn. Tài xế còn chốt cửa cố thủ trong xe, đến khi cảnh sát cơ động có mặt mới chịu mở cửa.

Tài xế sau đó được xác định là ông Nguyễn Văn Điều - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình.