‘Trường kỳ kháng chiến’ chống COVID-19 bước vào thời điểm đặc biệt

Chủ nhật, 27/12/2020, 15:00 PM

Chúng ta đang trải qua những ngày đặc biệt trong cuộc chiến chống COVID-19, cả về thời điểm, tình hình dịch bệnh, cả về những kết quả đã đạt được trong thực hiện “mục tiêu kép” và triển vọng sắp tới.

Những diễn biến mới nhất về dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy để giữ thành quả chống dịch vô giá thời gian qua, đưa đất nước an toàn vượt qua giông bão chưa từng có trong nhiều thập kỷ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, cơ quan, chính quyền các địa phương phải “siết mạnh hơn, siết chặt hơn” các biện pháp phòng ngừa, tuyệt đối không chủ quan lơi lỏng, mỗi người dân phải nâng cao ý thức vì cộng đồng.

Khẩu hiệu “Việt Nam quyết thắng đại dịch” đặt trước một trung tâm thương mại ở Quận 1, TPHCM. Ảnh: PLO

Khẩu hiệu “Việt Nam quyết thắng đại dịch” đặt trước một trung tâm thương mại ở Quận 1, TPHCM. Ảnh: PLO

Chúng ta đang trải qua những ngày đặc biệt trong cuộc chiến chống COVID-19, cả về thời điểm, tình hình dịch bệnh, cả về những kết quả đã đạt được trong thực hiện “mục tiêu kép” và triển vọng sắp tới.

Về thời điểm, dương lịch đang chuẩn bị bước sang năm mới, những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền cũng đã cận kề. Cũng tròn 1 năm kể từ khi các ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới được báo cáo tại Vũ Hán (Trung Quốc) và Việt Nam trải qua gần trọn 1 năm đầy thử thách nhưng đã đạt thành công đặc biệt cả về chống dịch lẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trên thế giới, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu xuống dốc, thậm chí diễn biến ngày càng phức tạp hơn với sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Việc nghiên cứu và sử dụng vaccine có những bước tiến cả trên thế giới và tại Việt Nam, nhưng về cơ bản, hiệu quả của "nhân tố vaccine" vẫn là câu chuyện của tương lai, dù là tương lai rất hứa hẹn.

Cũng trong thời điểm cộng đồng quốc tế khép lại năm 2020 đầy thử thách và khó khăn do đại dịch COVID-19, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là "Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh", với  sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua việc có 112 quốc gia đồng bảo trợ.

Trong bối cảnh đó, gần một tháng sau ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TPHCM do vi phạm quy định cách ly của một tiếp viên hàng không (30/11), Việt Nam  xuất hiện ca dương tính COVID-19 (BN1.440) là ca nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở.

Đáng chú ý, hành trình nhập cảnh trái phép của bệnh nhân này có thể phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, khi theo thông tin mới nhất, bệnh nhân này đã đổi lời khai về lịch trình di chuyển về Việt Nam.

Các biện pháp đã nhanh chóng được các cơ quan chức năng triển khai và hoàn toàn có thể tin rằng với các biện pháp này cùng với kinh nghiệm của các lực lượng trong kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch nhiều đợt suốt năm qua, tình hình sẽ sớm được kiểm soát. Tuy nhiên, vụ việc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Thực tế thì một ngày trước khi ca bệnh 1.440 được chính thức công bố, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 25/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã một lần nữa nhấn rất mạnh yêu cầu cùng với lực lượng biên phòng, công an cửa khẩu, phải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người dân ở vùng biên trong tăng cường kiểm soát chặt chẽ đường biên giới trên bộ, kiên quyết xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép, đặc biệt đối với các đối tượng tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép.

Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép được chính quyền, người dân địa phương phát hiện vận động để thực hiện các quy định về cách ly. Những trường hợp không tự nguyện thì người dân báo cáo với cơ quan chính quyền để xử lý.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch đang bước vào một thời gian rất quan trọng khi mùa đông đã đến, hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và khu vực. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch phải được nâng lên một mức. Từ lực lượng chuyên trách phòng chống dịch đến toàn thể hệ thống trong cả nước, các doanh nghiệp và người dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, khuyến nghị của ngành y tế.

Luôn chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào

Về phía Bộ Y tế, cũng trong ngày 25/12, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nêu rõ thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu di chuyển qua lại cửa khẩu của người dân là rất lớn, nguy cơ nhập cảnh trái phép thông qua đường biên giới trên bộ là rất cao và sẽ có thể gia tăng, do đó cần tăng cường và đặt công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh tại các khu vực cửa khẩu, biên giới lên một mức cao hơn, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn nhập cảnh trái phép.

Bộ trưởng khuyến nghị tiếp tục phát huy các mô hình phòng chống dịch hiệu quả, nhất là mô hình dựa vào nhân dân, để tạo nên nhiều lớp “hàng rào” bảo vệ biện giới, để không bỏ lọt bất cứ trường hợp nhập cảnh trái phép nào; tăng cường năng lực y tế, năng lực xét nghiệm, điều trị… để luôn chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào dù là xấu nhất.

Nhìn lại một năm qua, ngay từ giai đoạn đầu tiên, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã xác định việc ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài biên giới vào nước ta đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Tinh thần lớn mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo là kiểm soát chặt chẽ ngay từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả, trách nhiệm với người mắc bệnh.

Trong tất cả các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều nhấn mạnh nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực.

Có thể ví von Việt Nam như ở trong “cánh đồng trũng, ở bên ngoài nước thì nước cao, sóng lớn”. Do vậy, trước tiên chúng ta phải “bao đê cho chặt”, giữ đê cho chắc. Chuỗi ngày không có dịch trong cộng đồng càng được kéo dài thì lãnh đạo Chính phủ càng nhấn mạnh phải nêu cao cảnh giác, lên dây cót hệ thống “khi tình hình tốt phải cảnh giác”.

Thời điểm này phải “siết mạnh hơn, siết chặt hơn” các biện pháp phòng, chống dịch nếu có tư tưởng lơi lỏng, chủ quan thì rất nguy hiểm. Tất cả các lực lượng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, bởi chúng ta đã bước vào “mùa đông khốc liệt”, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán; các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật các kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị với tình huống khó khăn hơn trong mùa đông.

Thời điểm đặc biệt, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông. Phải đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị tại từng địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, từng xã, phường, thị trấn…, nhất là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, để thực hiện bằng được yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ là cả xã hội cùng quyết tâm, sẵn sàng chống dịch, để không chỉ đón Tết ấm cúng, vui tươi mà còn giữ thành quả chống dịch vô giá thời gian qua, đưa đất nước an toàn vượt qua giông bão chưa từng có trong nhiều thập kỷ, cho đến khi những nhân tố tích cực như vaccine phát huy hiệu quả, dịch bệnh qua đi.

Như thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi cộng đồng quốc tế vào sáng nay nhân Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh 27/12: "Việt Nam tin rằng, cộng đồng quốc tế sẽ phát huy ý chí và sức mạnh của người dân, mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua thách thức và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân. Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp vào hành trình cao cả đó"./.