TS Bùi Trinh: Tỷ giá Đô la Mỹ tăng chỉ có lợi doanh nghiệp FDI

Thứ hai, 06/08/2018, 11:25 AM

Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh nhận định, việc đồng Đô la Mỹ tăng chỉ có lợi cho doanh nghiệp FDI trong khi đó doanh nghiệp trong nước chịu thiệt lớn.

ts-bui-trinh-do-la-my-tang-chi-co-loi-doanh-nghiep-fdi
Tỷ giá Đô la Mỹ (USD) tăng những tháng qua đang tác động đến kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa

Việc tỷ giá liên tục tăng cao là tín hiệu không mấy khả quan cho nền kinh tế, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sử dụng đồng USD tăng cao.

Trao đổi với phóng viên Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh nhận định, việc đồng Nhân dân tệ giảm so với Đô la Mỹ (USD), Đô la Mỹ tăng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam.

“Khi Đô la Mỹ tăng tức tiền đồng của Việt Nam yếu đi. Tiền đồng yếu chỉ lợi cho xuất khẩu.  Doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu doanh nghiệp FDI. Nói cách khác tỷ giá Đô la Mỹ tăng chỉ lợi cho doanh nghiệp FDI.

Trong 20 năm doanh nghiệp FDI luôn xuất siêu còn doanh nghiệp Việt nhập siêu. Như vậy khi Đô la Mỹ tăng khó khăn doanh nghiệp Việt phải chịu tăng lên”, TS Bùi Trinh nói.

Mặt khác theo TS Bùi Trinh việc giá Đô la Mỹ tăng sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng, từ đó mục tiêu kiềm chế lạm phát không thể thực hiện được.

Khi Đô la Mỹ tăng kênh đầu tư sẽ đổ vào đồng tiền này thay vì vàng, chứng khoán sẽ tác động tiêu cực đến chu kỳ sau. Một vấn đề khác khi Đô la Mỹ tăng sẽ đẩy lãi suất vay USD tăng lên. Trong khi lãi suất huy động USD 0%, nhưng lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,5 - 4,5%, thậm chí có những khoản vay lên tới 6%.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay ngoại tệ của các ngân hàng phổ biến từ 2,8 - 6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất vay trung dài hạn từ 4,5 - 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD là 0%.

ts-bui-trinh-do-la-my-tang-chi-co-loi-doanh-nghiep-fdi
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh nhận định, việc đồng Đô la Mỹ tăng chỉ có lợi cho doanh nghiệp FDI bởi trong hơn 20 năm qua doanh nghiệp FDI luôn xuất siêu.

Khi Đô la Mỹ tăng lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến khoản vay ngoại tệ của Việt Nam.

Cùng với việc giá USD liên tục tăng từ giữa tháng 7 đến nay và tỷ giá trung tâm đã tăng xấp xỉ 1,1% trong khi giá USD của các ngân hàng thương mại tăng tới 2,6% so với đầu năm, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng tăng lên tương đối.

Cụ thể, nếu tính theo mức tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam được quy đổi lên tới 109,34 tỷ USD tính đến 31/12/2017 (số liệu được Chính phủ gửi Quốc hội mới đây về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017, kế hoạch năm 2018), tổng nợ nước ngoài đã tăng thêm khoảng hơn 1,3 tỷ USD, tương ứng mức tăng hơn 26 nghìn tỷ đồng tiền nợ.

Số tiền nợ tăng thêm vì biến động tỷ giá này nếu được phân bổ đầy đủ trong năm tài chính 2018, ước tính sẽ làm thay đổi đáng kể hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Với ngành công thương, ngoài con số âm 33,41 tỷ đồng tổng số vốn chủ sở hữu của các dự án, việc tỷ giá biến động mạnh cũng khiến khoản nợ nước ngoài của 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương cũng tăng lên đáng kể.

Cụ thể trong tổng nợ phải trả đã lên đến hơn là 58,5 nghìn tỷ đồng, có tới 47,4 nghìn tỷ đồng là vốn vay trong nước và vay bảo lãnh nước ngoài.

Riêng khoản vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ tại 3 dự án thua lỗ của Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (84,83 triệu USD); Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (250 triệu USD) và Dự án nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam (67,017 triệu euro) nếu quy đổi sang VND cũng lên tới 6,6 nghìn tỷ đồng.

Với việc tỷ giá tăng lên trong vài tháng qua cũng khiến khoản nợ gia tăng.

 

Nhân dân tệ mất giá sâu so với đô Mỹ, liệu có nên điều chỉnh tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa Trung Quốc?

Với việc Nhân dân tệ mất giá sâu so với Đô la Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh tỷ giá từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu giữa hàng hóa của Việt Nam với hàng hóa Trung Quốc.

 

Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đang nợ 120 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc

Báo cáo tài chính Quý 2/2018 của Công ty CP Tập đoàn FLC cho thấy tính đến ngày 30/6/2018 doanh nghiệp này đang vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.065 tỷ đồng trong đó có khoản vay từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

 

Hậu Trầm Bê, Sacombank vẫn ‘ngụp lặn’ với hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu

Dù nợ xấu của Sacombank đã giảm nhiều so với thời điểm cuối năm 2016 thế nhưng ngân hàng này hậu Trầm Bê vẫn là ngân hàng với tỉ lệ nợ xấu lớn nhất ngành ngân hàng.