Thứ bảy, 27/07/2019, 07:03 AM
  • Click để copy

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Không thể chống ùn tắc bằng việc thu phí

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc Hà Nội muốn thu phí phương tiện vào nội đô để chống ùn tắc là giải pháp không hợp lý.

Hà Nội đang có ý tưởng thu phí phương tiện vào nội đô.
Hà Nội đang có ý tưởng thu phí phương tiện vào nội đô.

Giao thông sẽ ra sao nếu Hà Nội thu phí phương tiện vào nội đô?

Dư luận xã hội đang quan tâm đến việc Hà Nội muốn thu phí phương tiện vào nội đô để chống ùn tắc, đây là ý tưởng được Hà Nội đưa ra từ lâu nhưng mới đây UBND TP Hà Nội tiếp tục có báo cáo lên HĐND TP.

Đáng chú ý, trước đó, cách đây vài ngày ý tưởng tương tự cũng được Sở GTVT TP HCM đưa ra khi đề xuất lập 34 trạm thu phí. 

Theo đề xuất của TP Hà Nội, ranh giới thu phí được tính từ đường vành đai 3 trở vào. Lái xe, chủ xe phải mở tài khoản ngân hàng, gắn thiết bị tự động trên xe, hệ thống sẽ tự trừ tiền trong tài khoản khi chủ xe đi vào nội đô Hà Nội.

Cùng với đó, các lỗi vi phạm của lái xe trong TP sẽ bị phạt nguội và trừ tiền trong tài khoản. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay thu phí xe vào nội đô là một trong những giải pháp hạn chế xe cá nhân theo đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường...

Thực tế đây là đề xuất được TP Hà Nội đưa ra từ những năm 2017, 2018. Khi ý tưởng được đưa ra nhiều người dân và các chuyên gia đã lên tiếng cho rằng đây là đề xuất không hợp lý, dễ khiến giao thông vốn ùn tắc càng thêm rối loạn.

Nhà cao tầng mọc san sát ở Hà Nội. (Ảnh: VNE).
Nhà cao tầng mọc san sát ở Hà Nội. (Ảnh: VNE).

Anh Nguyễn Văn Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tắc đường là do vấn đề quy hoạch, hạ tầng. Trong khi vỉa hè thì đào xới, các công trình thì kéo dài cả thập kỷ, chung cư cao tầng thì đua nhau mọc... thử hỏi làm sao không tắc đường. Tôi cho rằng đây là đề xuất không hợp lý, không chống được ùn tắc mà chỉ mục đích là thu tiền của dân. 

Thử hỏi bao nhiêu chung cư, nhà cao tầng trong nội đô thế này thì việc thu phí có ngăn người dân không đi vào nội đô nữa không?".

Trong khi đó, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại cho rằng, Hà Nội có rất nhiều đường ngóc ngách và để kiểm soát thu phí thì sẽ phải đầu tư khoản tiền rất lớn bởi không sẽ xảy ra tình trạng "thu tiền đường này, thì ta đi đường khác" khi ấy tình hình giao thông càng rối loạn thêm.

Thu phí để chống ùn tắc là cách làm thiếu khoa học, dễ phát sinh vấn đề phí chồng phí

Trao đổi với PV về ý tưởng thu phí phương tiện vào nội đô, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Tổng biên tập NXB Giao thông vận tải thẳng thắn nói: “Tôi nghĩ rằng Hà Nội vẫn chưa thay đổi quan điểm trong vấn đề làm thế nào để giảm bớt ùn tắc? Họ cứ nghĩ rằng thu phí nhiều sẽ giảm bớt ùn tắc nhưng điều này là sai lầm. Tiền đó đi đâu? Ai giám sát? Tôi nghĩ điều này Hà Nội cần xem lại".

Ông Thủy cho biết, bản thân không ủng hộ giải pháp của Hà Nội và cho rằng rằng người dân đang phải chịu “phí chồng phí” khiến đời sống càng thêm khó khăn.

"Hiện giờ cứ đánh vào người dân, cho rằng ùn tắc là do người dân thì tôi cho rằng không đúng. Ùn tắc có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị của Hà Nội còn hạn chế, chúng ta chỉ lo những hoạt động khác mà quên đi quy hoạch giao thông đô thị. Những năm gần đây mới bắt đầu quy hoạch, nhưng làm quá chậm, công nghệ kém nên không đáp ứng đủ cho người dân.

Việc thu phí có phải là phục vụ nhân dân không? Tôi cho rằng, việc này đang thiếu cơ sở khoa học lẫn thực tiễn. Khi phương tiện công cộng chưa đảm bảo, chưa hấp dẫn thì người dân không có giải pháp thay thế để đi làm ngoài việc sử dụng phương tiện cá nhân. Họ bỏ tiền ra để mua phương tiện nhưng giờ lại tăng phí. Vậy, nếu thu thêm phí, cấm đoán thì người dân sử dụng phương tiện gì?

Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy. (Ảnh: NVCC).
Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy. (Ảnh: NVCC).

Việc thu phí không có tác động giảm ùn tắc giao thông, mà đánh vào đời sống của người lao động. Cách làm này không hợp lòng dân, không khoa học, không thực tế và không nhân văn”, ông Thủy chia sẻ.

Nêu quan điểm về việc Hà Nội muốn thu phí phương tiện vào nội đô, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là đề xuất không hợp lý và khó nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Theo luật sư, chính quyền cần thận trọng mỗi khi thay đổi chính sách về thuế, phí, mỗi khi đặt ra một khoản thuế, phí mới vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: Hiện nay, đã có khá nhiều loại thuế phí mà đối với một số bộ phận người dân có đời sống khó khăn và thu nhập thấp thì những loại thuế, phí này đã là khá nặng nề.

Cụ thể, đối với các phường tiện cơ giới tham gia giao thông, hiện nay người dân đã phải tham gia đóng Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ. Trước đó, khi sử dụng phương tiện còn có phí đăng ký, lệ phí trước bạ…

Do vậy, việc xem xét bổ sung thêm một quy định nào đó về phí mới thì cần phải cân nhắc kỹ mục đích của loại phí đó, đảm bảo tính khả thi, cũng như phải nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đặc biệt phải phán đoán sự tác động trở lại của loại thuế, phí này đối với sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa và đời sống của nhân dân.

“Hiện tại, chưa rõ phí phương tiện cơ giới vào nội đô được xem xét với mục đích nào? Tuy nhiên, theo tôi nếu để tăng ngân sách hay giảm ùn tắc thì đều không hợp lý, sẽ không đạt hiệu quả đối với hai mục đích này”, luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.

Luật sư phân tích, đối với ngân sách, đã có nhiều loại phí được quy định đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Do đó, dưới góc độ tài chính kế toán thì không cần thiết phải thu thêm loại phí mới này. Đối với mục đích giảm ùn tắc giao thông, hạn chế xe cơ giới đi vào nội đô càng thiếu tính khả thi, không hiệu quả.

Việc thu thêm phí này hoàn toàn có thể dẫn tới tình trạng di chuyển cơ học dân cư từ ngoại đô vào nội đô, nhiều người dân ở ngoại thành sẽ đổ xô vào nội thành để sinh sống hoặc lựa chọn giải pháp gửi xe trong nội thành để không phải nộp phí. Từ đó mật độ dân cư càng tăng cao, phương tiện giao thông càng nhiều và tình trạng ách tắc giao thông vẫn sẽ diễn ra...

 

Tháng 7 linh thiêng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Những ngày cuối tháng 7, dòng người tấp nập đổ về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi vinh để bảo vệ tổ quốc.

 

6 triệu USD mà Luxstay nhận được chỉ là 'chiêu trò' của 'dàn cá mập'?

Trong nhiều luồng dư luận trái chiều xung quanh deal rót vốn 6 triệu USD vào Luxstay trên Shark Tank Việt Nam, bức ảnh Shark Dzung đại diện cho Luxstay ký kết với đối tác, sau lưng Shark Dzung là Shark Việt và Shark Hưng bất ngờ xuất hiện.

 

Tên cướp ở Sài Gòn bị đánh bầm dập sau khi đâm thanh niên chạy SH

Sau khi đâm thanh niên chạy SH, nghi can cướp bị người dân vây bắt, đánh gãy xương bàn tay và nhiều ngón tay.