Từ chuyện thiếu điện: 'Người dân được hưởng gì từ tài nguyên thiên nhiên của đất nước?'

Thứ tư, 12/12/2018, 06:29 AM

Khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất điện nhưng ngành điện kêu lỗ, kêu thiếu điện, vậy người dân được hưởng gì từ tài nguyên thiên nhiên của đất nước?

tu-chuyen-thieu-dien-nguoi-dan-duoc-huong-gi-tu-tai-nguyen-thien-nhien-cua-dat-nuoc
Thủ tướng bày tỏ thái độ cương quyết nếu để mất điện, một số người phải mất chức. Ảnh minh họa

Những ngày qua, một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện ngay đầu năm 2019, do một số nhà máy nhiệt điện thiếu than. Theo công văn của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương, đã phản ánh thực trạng báo động trong sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng do thiếu hụt than trầm trọng.

Sốt ruột trước thông tin này, tại cuộc họp thường ký Chính phủ tháng 11 ngày 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã có nhiều cuộc họp, có nhiều giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện đến sau năm 2020, bởi nếu nền kinh tế thiếu điện sẽ gây ra tác động khôn lường. Thủ tướng bày tỏ thái độ cương quyết nếu để mất điện, một số người phải mất chức.

“Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, nếu như mất điện, một số đồng chí phải mất chức. thái độ chúng ta phải cương quyết. Tôi đã viết rất nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Cái tập thư mà tôi viết còn rất nhiều về những chỉ đạo này”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Ngay sau đó Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định năm 2019 vẫn đảm bảo đủ điện.

Nhìn vào vấn đề ngành điện câu chuyện không chỉ năm nay thiếu điện, năm sau đủ mà phải thấy những bất cập tồn tại để khắc phục.

tu-chuyen-thieu-dien-nguoi-dan-duoc-huong-gi-tu-tai-nguyen-thien-nhien-cua-dat-nuoc
Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh. Ảnh Hoàng Lực

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê thì suốt từ năm 2010 đến nay, đặc biêt 2017 năng suất lao động của ngành điện cao hơn năng suất bình quân chung của nền kinh tế là 19 lần. Năng suất lao động được tình bằng giá trị gia tăng chia cho số lao động.

Có ba ngành năng suất lao động cao nhất là ngành khai thác than, thứ hai là điện và thứ ba là kinh doanh bất động sản.

Từ đó đặt ra vấn đề tại sao năng suất lao động của ngành điện lại cao hơn mức bình quân chung của nền kinh tế như thế? Rõ ràng mỗi lần tăng giá điện là một lần giá trị gia tăng ngành điện tăng.

Với năng suất lao động cao, giá trị gia tăng cũng vậy vì sao ngành điện thua lỗ? Giá trị gia tăng cấu thành từ hai yếu tố: Thu nhập và thặng dư. Như vậy thua lỗ ngành điện chỉ có thể giải thích: Thứ nhất, vì lương ngành điện cao, lương ở đây không phải người lao động, công nhân mà là lãnh đạo, nhân viên văn phòng; Thứ hai, vẫn có thặng dư.

Ngoài ra, ngành điện chủ yếu khai thác thủy điện và nhiệt điện. Làm thủy điện tác động đến môi trường tự nhiên, ảnh hưởng dòng chảy sông suối đầu nguồn. Suốt từ Bắc vào miền Trung – Tây Nguyên bao nhiêu dự án thủy điện lớn nhỏ được xây dựng, xây dựng thủy điện ảnh hưởng đến rừng, không ít lần hồ thủy điện xả lũ thiếu trách nhiệm gây thiệt hại lớn cho người dân miền xuôi.

Thực tế này đặt ra câu hỏi, xây dựng nhiều thủy điện nhưng tại sao điện từ than vẫn là chính?

Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là: Rừng, than, sông suối là tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu, tài sản của nhân dân. Khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên đó để tạo ra điện, nhưng cuối cùng lại kêu lỗ để tăng giá điện.

Điều này cực vô lý, đất nước vừa mất tài nguyên, người dân vẫn phải chịu giá điện tăng. Vậy người dân được hưởng gì từ tài nguyên thiên nhiên của đất nước?

Nói xa hơn một chút, ngay vấn đề giá xăng dầu, chúng ta xây dựng nhà máy lọc dầu nhưng vấn đề đặt ra sản phẩm xăng, dầu sản xuất ra từ nhà máy này có rẻ hơn so với xăng, dầu nhập khẩu hay không?

Thực tế hiện nay, dù giá điện tăng, tăng bao nhiêu các chuyên gia, người dân có lên tiếng thì cuối cùng vẫn phải chịu vì độc quyền.

Một vấn đề nữa, mỗi lần EVN muốn tăng giá thì tính phản biện của Bộ Công Thương gần như không có. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về ngành Công Thương thuộc Chính phủ, có nghĩa phải đứng về phía người dân để chất vấn, phản biện làm rõ vì sao tăng giá điện? Tăng bao nhiêu? Cách tính ra con số phần trăm đó…?

 

Hà Nội công khai 112 đơn vị nợ hơn 138 tỷ đồng tiền thuế, phí, sử dụng đất

Website của Cục Thuế TP Hà Nội mới đây đã đăng công khai danh sách 112 đơn vị nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất với số nợ hơn 138 tỷ đồng.

 

Gần 1 tỷ đồng cho 30 giây quảng cáo chung kết lượt về Việt Nam vs Malaysia

Trung tâm quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd) vừa công bố bảng đơn giá quảng cáo trong trận chung kết lượt về AFF Cup giữa 2 đội Việt Nam vs Malaysia vào ngày 15/12.

 

Người Trung Quốc mua bất động sản TP HCM tăng mạnh: Nguy cơ rất lớn

Theo ông Nguyễn Văn Đực, vấn đề người Trung Quốc mua bất động sản TP HCM tăng đột biến đòi hỏi Chính phủ phải nghiên cứu và có một chính sách rõ ràng.