Từ vụ Asanzo: Khoảng trống pháp lý đang bị doanh nghiệp lợi dụng?

Thứ bảy, 20/07/2019, 06:12 AM

Nhiều hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam", "Sản xuất tại Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam".

tu-vu-asanzo-khoang-trong-phap-ly-dang-bi-doanh-nghiep-dang-loi-dung
Từ vụ Asanzo, có thể doanh nghiệp không sai nhưng một khoảng trống pháp lý đang bị doanh nghiệp đang lợi dụng?

Thông tin lùm xùm vụ Asanzo nhập hàng hóa Trung Quốc rồi xé nhãn Trung Quốc, lột tem và dán tem nhãn "made in Vietnam" vào để bán khiến dư luận bức xúc. Trong khi người đứng đầu Asanzo là ông Phạm Văn Tam giải thích rằng người tiêu dùng đang hiểu lầm.

Theo ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), câu chuyện "made in Vietnam" thời gian qua được nhắc đến nhiều khi chúng ta còn có khoảng trống pháp lý trong vấn đề này, đây là kẽ hở để không ít doanh nghiệp lợi dụng.

Theo quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan dù nhập từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ rõ một số doanh nghiệp lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng rồi sau đó thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa. Thậm chí lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Qua kiểm tra, giám sát, cơ quan hải quan phát hiện không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà còn có doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng trên thực tế lại không gia công, lắp ráp hoặc chỉ gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng lại hợp thức hóa hồ sơ để cấp C/O của Việt Nam. Ông Tuấn dẫn trường hợp Công ty CP Điện tử Asanzo mà báo chí phản ánh về nghi vấn nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam bán ra thị trường để minh chứng cho vấn đề vừa nêu.

Trong trường hợp của Asanzo để làm rõ doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hay không hay nhập sản phẩm từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt như điều tra của một tờ báo không khó. Cụ thể, để biết được mánh khóe doanh nghiệp trong việc sản xuất hàng hóa gắn mác “Made in Việt Nam” theo các chuyên gia cần đối chứng với chi phí đầu vào.

tu-vu-asanzo-khoang-trong-phap-ly-dang-bi-doanh-nghiep-dang-loi-dung
Lực lượng hải quan kiểm tra một lô hàng hóa Trung Quốc nhưng lại ghi “Made in Thailand” ở Lạng Sơn mới đây.

Ví dụ doanh nghiệp sản xuất, bán ra thị trường nội địa và xuất khẩu giá trị hàng hóa từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng nhưng chi phí điện, nước phát sinh rất ít, chứng tỏ họ gần như không có hoạt động sản xuất mà chỉ thay đổi nhãn mác, bao bì.

Vấn đề then chốt trong câu chuyện Asanzo là ghi xuất xứ hàng hóa, thế nào là hàng Việt Nam?

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa đều phải ghi nhãn cho hàng hóa (trừ một số trường hợp đặc biệt).

Điều 10 Nghị định 43 ghi rõ nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy theo theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Điều 15 Nghị định 43 yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Tuy nhiên, xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào thì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Ngay Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam cũng rất mơ hồ, nói cách khác khó đối chứng kiểm tra. Cụ thể, Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa, với hàng hóa có phần giá trị nội địa đạt từ 30% trở lên được xem là có xuất xứ tại một nước (nơi diễn ra công đoạn sản xuất, gia công, chế biến cuối cùng).

tu-vu-asanzo-khoang-trong-phap-ly-dang-bi-doanh-nghiep-dang-loi-dung
Luật sư Trương Thanh Đức.

Trước bất cập này, trả lời báo chí Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, việc xây dựng quy định “sản xuất tại Việt Nam” không chỉ vì người tiêu dùng trong nước mà còn vì các doanh nghiệp.

Dẫn lại trường hợp Asanzo làm ví dụ, ông Đức cho biết: “Ông Tam (ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo - PV) nói trước đó ông ghi xuất xứ Việt Nam sai thì giờ ghi lại là sản xuất tại Việt Nam. Nhưng bản chất cả hai nhãn là một nên ông ấy vẫn sai. Xuất xứ doanh nghiệp ghi nhưng phải đảm bảo chính xác, trung thực, đảm bảo tuân thủ các hiệp định. Ông Tam vi phạm hai nội dung là chính xác và trung thực”.

Tuy nhiên, luật sư Đức cho rằng, sản phẩm nhập nhằng nguồn gốc của ông Tam không thể ghi là xuất xứ Trung Quốc vì quy định của họ không cho phép. Có chăng ông Tam chỉ có thể ghi là “lắp ráp tại Việt Nam” trong bối cảnh quy định của Việt Nam còn chưa đầy đủ, chặt chẽ và còn nhiều sơ hở.

Câu chuyện xuất xứ Trung Quốc không có gì lạ và chúng ta phải thừa nhận. Vì nền sản xuất của chúng ta còn thiếu và yếu, chi phí giá thành cao, giá bán cao. Trong khi đó, hàng Trung Quốc “thượng vàng hạ cám”, giá nào cũng có, đáp ứng được nhu cầu mọi lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng, ở hầu hết phân khúc.

Vì thế dù những doanh nghiệp như Asanzo không sai về quy định pháp luật nhưng chắc chắn doanh nghiệp thiếu trung thực với khách hàng.

Hành vi gian lận xuất xứ dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu họ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Điển hình như mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sản phẩm chịu mức thuế trừng phạt lên đến 456% là một số loại thép sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan, sau đó được chuyển đến Việt Nam để chế biến thêm trước khi xuất khẩu sang Mỹ.

Cơ quan này tuyên bố các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội chế biến tại Việt Nam, có nguồn gốc Hàn Quốc hoặc Đài Loan, đã vi phạm luật chống bán phá giá và trợ giá của chính phủ Mỹ.

Phía Mỹ đã áp thuế lên các mặt hàng thép Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt từ tháng 12/2015 và tháng 2/2016. Bộ Thương mại Mỹ cho biết kể từ những thời điểm này cho đến tháng 4/2019, xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam vào Mỹ tăng lần lượt 332% và 916%.

Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra theo yêu cầu của các nhà sản xuất thép nước này như ArcelorMittal, Nucor, United States Steel, Steel Dynamics, California Steel Industries và AK Steel.

 

Sau nghi vấn hàng Tàu đội lốt hàng Việt: Asanzo dừng tài trợ bóng đá, tính khởi kiện báo

Nghi án Asanzo bán hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam chưa dừng lại, sau gần 1 tháng xảy ra vụ việc Asanzo đang tính khởi kiện báo Tuổi Trẻ, trước đó doanh nghiệp này dừng tài trợ cho giải bóng đá hạng Nhì quốc gia 2019 từ lượt về.

 

Lùm xùm nghi vấn Asanzo bán hàng Trung Quốc: Thủ tướng chỉ đạo chống gian lận xuất xứ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên toàn quốc.

 

Vụ Asanzo nóng trở lại sau phát biểu của ông Phạm Văn Tam

Phản ứng bất ngờ của CEO Phạm Văn Tam khi Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh nhận đổi trả hàng Asanzo đang khiến nghi vấn Asanzo bán hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt nóng trở lại.