Tự ý tăng giá khẩu trang, thiết bị y tế giữa 'bão dịch Corona' có thể bị phạt tù

Thứ sáu, 31/01/2020, 19:42 PM

Theo luật sư Diệp Năng Bình, hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh... nhằm bán lại để thu lợi bất chính có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khẩu trang và nhiều sản phẩm y tế phục vụ phòng dịch viêm phổi Corona đang bị thổi giá lên

Khẩu trang và nhiều sản phẩm y tế phục vụ phòng dịch viêm phổi Corona đang bị thổi giá lên "trời".

Diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi Vũ Hán do virut corona gây ra đang khiến mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay, cồn rửa tay và một số sản phẩm y tế dùng phòng dịch bị khan hiếm thổi giá lên "trời".

Lợi dụng dịch bệnh, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh buôn bán sản phẩm y tế, thuốc y tế đang bán giá cao, thậm chí có tình trạng gom hàng khiến người dân bức xúc.

Nhiều người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để xử lý những hành vi chặt chém, tăng giá cũng như gom hàng giữa đại dịch bùng phát này.

Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Tinh thông luật - Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh... nhằm bán lại để thu lợi bất chính có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Bình cho hay: Tình trạng khẩn cấp là một tuyên bố của Chính phủ mà theo đó có thể tạm ngưng một số chức năng bình thường của chính phủ và có thể cảnh báo công dân của mình thay đổi các hành vi bình thường hoặc có thể ra lệnh cho các cơ quan của chính phủ thi hành các kế hoạch sẵn sàng cho tình trạng khẩn cấp.

Nó cũng được sử dụng làm một cơ sở hợp lý để tạm ngừng các quyền tự do dân sự. Các tuyên bố tình trạng khẩn cấp thường được ban bố trong thời kỳ có thiên tai, trong các giai đoạn bạo loạn dân sự, hoặc sau một vụ tuyên chiến, chuẩn bị có dấu hiệu xảy ra một cuộc chiến tranh. Trong một vài quốc gia, tình trạng khẩn cấp và hiệu lực của nó đối với các quyền tự do dân sự và thủ tục ban bố được quy định trong hiến pháp hoặc luật.

Theo Điều 1 Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp ngày 23/3/2000, thì tình trạng khẩn cấp được quy định chung là: “Khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Đối với mặt hàng khẩu trang y tế được xem là mặt hàng cơ bản, thiết yếu để người dân phòng chống dịch bệnh Corona. Hiện nay, tại các nơi bán với giá rất cao gấp chục lần so với bình thường gây hoang mang xã hội.

Tại Điều 15 Luật giá năm 2012 quy định hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ; trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương.

Luật giá năm 2012 nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các hành vi: Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...

Điều 17 Nghị định 109 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Về hình sự theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với Tội đầu cơ.

Theo đó: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b)Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Bài liên quan