Tuyến metro số 1 TP HCM gặp sự cố dầm cầu: Tổng thầu có dấu hiệu chối bỏ trách nhiệm?

Thứ hai, 07/12/2020, 10:38 AM

Sự cố dầm cầu cạn tuyến metro số 1 TP HCM xảy ra hơn 1 tháng nhưng tổng thầu vẫn không có báo cáo nguyên nhân, không trình nộp đúng thời hạn.

Tuyến metro số 1 TP HCM gặp sự cố dầm cầu.

Tuyến metro số 1 TP HCM gặp sự cố dầm cầu.

Sự cố dầm cầu tuyến Metro số 1 TP HCM

Sự cố dầm cầu thuộc tuyến Metro số 1 TP HCM (Bến Thành - Suối Tiên) được phát hiện vừa qua đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Vị trí hư hỏng tại trụ P14-10, thuộc đoạn cầu cạn VD14 của gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) tuyến Metro Số 1.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, gối cao su (gối trái theo hướng từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 (dầm đã lắp 4 năm trước) bị rơi khỏi vị trí đá kê gối "không rõ nguyên nhân". Việc này khiến đường ray đã lắp phía trên hư hỏng, bung khỏi các bu-lông liên kết với hệ thống đỡ ở dưới; bêtông đệm đường ray ở vị trí này bị nứt.

MAUR đánh giá sự cố có nguy cơ gây nứt vỡ cục bộ gối dầm khi chịu tác động. Đặc biệt cả đoạn dầm hoàn thiện sẽ chịu sự uốn xoắn bởi lực phân bổ không đều khi gối cao su rơi ra ngoài, dẫn đến phần đáy, thành dầm chữ U, nhiều khả năng cũng bị nứt. Việc này bị cho làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng tuổi thọ công trình và nguy cơ mất an toàn khi tàu tuyến Metro Số 1 chạy.

MAUR cho rằng quản lý của liên danh SCC không đảm bảo, "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến chất lượng, tuổi thọ và an toàn của dự án. Vì vậy đơn vị này yêu cầu khẩn trương điều tra nguyên nhân sự cố, báo trước ngày 13/11 cùng với phương án sửa chữa, khắc phục.

Đề phòng sự cố tương tự xảy ra ở các vị trí khác, MAUR cũng yêu cầu liên danh SCC rà soát toàn bộ chất lượng ở các gối cầu thuộc gói CP2, so sánh và đối chiếu với thiết kế để đảm bảo an toàn dự án. Việc này phía tổng thầu được yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 15/12.

Riêng liên danh tư vấn giám sát NJPT, MAUR yêu cầu phối hợp kiểm tra, xử lý sự cố cũng như xem xét hướng khắc phục của SCC. Các đơn vị cần rà soát việc lựa chọn nhà thầu cung cấp vật liệu gối cao su lắp đặt ở gói thầu và báo cáo MAUR trước ngày 13/11.

Tổng thầu có dấu hiệu chối bỏ trách nhiệm?

Mới nhất MAUR đã có công văn gửi ông Tatsuya Masuzawa, Giám đốc dự án Liên danh NJPT (đơn vị tư vấn giám sát) và ông Shigeki Ihara, Giám đốc dự án Liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC) về việc tổng thầu EPC (Liên danh SCC) chậm trễ trong báo cáo nguyên nhân sự việc xảy ra sự cố rơi gối cao su dầm cầu metro.

Gối cao su rơi ra ngoài khiến dầm cầu tại trụ P14-10 bị lệch. (Ảnh: VNE).

Gối cao su rơi ra ngoài khiến dầm cầu tại trụ P14-10 bị lệch. (Ảnh: VNE).

Trong khoảng thời gian xảy ra sự việc, từ ngày 30/10 đến nay, MAUR đã liên tục phát hành văn bản cũng như thường xuyên tổ chức các cuộc họp đôn đốc tổng thầu EPC báo cáo nguyên nhân, trình các hồ sơ thiết kế, kết quả thí nghiệm vật liệu, biện pháp thi công, nghiệm thu lắp đặt liên quan đến gối cầu.

Sự việc xảy ra đã thu hút sự quan tâm của dư luận, các cơ quan chuyên môn và cơ quan chức năng. UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải đã liên tục có yêu cầu MAUR báo cáo sự việc.

Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng, liên danh NJPT và liên danh SCC vẫn không có báo cáo nguyên nhân, không trình nộp đúng thời hạn các hồ sơ.

MAUR cho rằng, tổng thầu EPC chỉ đưa ra các giải thích/nhận định ban đầu rất sơ sài và không thuyết phục nhằm mục đích chuyển hướng sự việc, kéo dài thời gian, chối bỏ trách nhiệm với vai trò tổng thầu EPC của mình.

Do đó, MAUR vẫn chưa có báo cáo chính thức gửi đến các cơ quan chức năng theo yêu cầu.

Gối cầu là bộ phận nối từ nhịp cầu xuống mố trụ, có tác dụng như tấm đệm chịu tải và giảm lực của kết cấu nhịp truyền xuống mố trụ. Gối cầu giúp kết cấu nhịp dịch chuyển, co giãn ít... Tùy công trình, gối cầu có nhiều loại và thiết kế khác nhau, có thể bằng thép hoặc đàn hồi như cao su, cao su bản thép...

Metro Số 1 tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, gồm 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km trên cao. Đoạn cầu cạn của tuyến dài 14,5 km, trong đó 12 km thi công bằng công nghệ lắp ghép các đoạn đúc sẵn bằng bằng biện pháp lao lắp trên hệ đà giáo di động.

Toàn bộ dự án hiện đạt hơn 78%, trong đó gói thầu CP2 đạt 88% khối lượng. TP HCM đặt mục tiêu khai thác dự án vào cuối năm 2021.