Tỷ phú Việt: Người đút túi nghìn tỷ, kẻ lùi sâu tài sản

Thứ tư, 16/10/2019, 13:24 PM

Trong khi đa số tỷ phú Việt giàu thuộc nhóm bất động sản, hàng không và bán lẻ ngày càng giàu thì nhóm tài chính lại giảm tài sản đáng kể.

ty-phu-viet-nguoi-dut-tui-nghin-ty-ke-lui-sau-tai-san
Trong khi đa số tỷ phú Việt giàu thuộc nhóm bất động sản, hàng không và bán lẻ ngày càng giàu thì nhóm tài chính lại giảm tài sản đáng kể.

Theo Tạp chí Forbes, trong số 5 tỷ phú Việt được tạp chí này thống kê có khối tài sản trên 1 tỷ USD hồi đầu năm. Đến nay, 2 người trong nhóm này tăng được khối tài sản của mình.

Người có mức tăng tài sản lớn nhất là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup với 7,8 tỷ USD, thêm 1,2 tỷ USD so với thống kê hồi đầu năm.

Trước đó, thống kê giữa năm Forbes đánh giá, tổng tài sản của ông chủ Vingroup lên đến 7,7 tỷ USD, xếp thứ 239 trong bảng xếp hạng những người giàu thế giới, tăng đến 260 bậc từ vị trí 499 năm ngoái.

So với đầu tháng 3 khối tài sản này của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng 1,1 tỷ USD.

Ông Phạm Nhật Vượng đang dẫn dắt Vingroup, tập đoàn kinh doanh đa ngành hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, chế tạo, nông nghiệp, y tế…

Đ ến cuối quý II năm nay, Vingroup có vốn điều lệ đạt 33.459 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT, đang nắm trực tiếp 26,18%. Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (doanh nghiệp do ông Vượng làm chủ) cũng sở hữu 31,83% và là cổ đông lớn nhất tại Vingroup.

Thông qua Vingroup, ông Vượng còn đang có quyền lợi tại 2 doanh nghiệp khác cũng thuộc nhóm vốn hóa lớn trên thị trường hiện nay là Công ty CP Vinhomes (vốn hóa 297.000 tỷ đồng) và Công ty CP Vincom Retail (vốn hóa 74.500 tỷ đồng).

Tổng cộng, với 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình, ông Vượng đang quản lý hơn 750.000 tỷ đồng vốn hóa trên thị trường, tương đương hơn 17% tổng vốn hóa toàn thị trường chứng khoán (theo số liệu của Bộ Tài chính đến ngày 26/6, mức vốn hóa thị trường đạt 4,37 triệu tỷ đồng).

Trong năm 2018, Vinhomes cũng chính là doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao nhất thị trường, đạt 14.754 tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với năm 2017.

Tỷ phú USD thứ 2 chứng kiến sự phình to của khối tài sản là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air với 2,5 tỷ USD, thêm 200 triệu USD.

Bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân duy nhất của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng của Forbes, giữa tháng 12/2018, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách The Bloomberg 50 - 50 nhà lãnh đạo và doanh nhân tiêu biểu toàn cầu của năm 2018, sánh ngang nhiều nhân vật nổi tiếng.

Thời điểm đó Forbes cũng xếp bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí 44 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới (tăng 11 bậc so với năm 2017), bên cạnh những người nổi tiếng như: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde,...

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng nắm trong tay 2 doanh nghiệp với tổng vốn hóa thị trường khoảng 100.000 tỷ, gồm Công ty CP Hàng không Vietjet và HDBank.

Trong đó, Vietjet là hãng hàng không có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay, đạt 72.000 tỷ đồng, trong khi HDBank được thị trường định giá hơn 27.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp do bà Thảo quản lý nói trên còn chưa bao gồm các công ty lớn khác như Công ty CP Sovico, Địa ốc Phú Long do chưa niêm yết.

ty-phu-viet-nguoi-dut-tui-nghin-ty-ke-lui-sau-tai-san
Các doanh nhân Việt đang quản lý hàng tỷ USD vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Sự giàu lên của ông Vượng và bà Thảo chủ yếu đến từ biến động cổ phiếu tại các doanh nghiệp mà 2 doanh nhân này sở hữu.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VIC đã tăng xấp xỉ 12%, kéo khối tài sản của ông chủ doanh nghiệp này tăng xấp xỉ 18%. Ngoài ra, nửa đầu năm 2019, Vingroup cũng đã mang về cho ông chủ của mình hơn 61.157 tỷ đồng doanh thu, và lãi sau thuế 3.401 tỷ đồng, cao hơn 150% cùng kỳ.

Tương tự, cổ phiếu VJC (chiếm trên 50% tài sản của bà Thảo) cũng tăng 18%. trong khi cổ phiếu HDB lại giảm gần 3% khiến tổng tài sản ròng bà Thảo sở hữu tăng thêm gần 10%. Vietjet cũng ghi nhận 24.556 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 1.981 tỷ đồng 6 tháng gần nhất và nằm trong nhóm doanh nghiệp tư nhân có doanh thu cao nhất thị trường.

Trong khi đó ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan duy trì khối tài sản sở hữu như đầu năm, lần lượt đạt 1,7 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.

Ngược lại đà tăng tài sản các doanh nhân kể trên, khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, lại bốc hơi 100 triệu USD so với đầu năm, hiện còn 1,6 tỷ USD. Nguyên nhân do đà giảm 8% của cổ phiếu Techcombank (TCB).