Hà Giang xin xây trụ sở mới: Cán bộ đã phải đội mũ ‘bảo hiểm’ trong công sở chưa?

Thứ bảy, 28/04/2018, 07:00 AM

Theo PGS.TS Bùi Thị An trước khi xin xây trụ sở mới, UBND tỉnh Hà Giang cần xem trụ sở cũ đã xuống cấp đến mức độ ảnh hưởng sức khỏe cán bộ công chức, viên chức, ảnh hưởng đến chất lượng công việc hay không.

nhan-tro-cap-80-tu-trung-uong-ha-giang-van-xin-xay-tru-so-700-ty-dong
TTrụ sở UBND tỉnh Hà Giang hiện nay. 

Dù là tỉnh nghèo ngân sách Trung ương phải hỗ trợ 80% nhưng UBND tỉnh Hà Giang đang đề xuất Chính Phủ cho phép tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư và khởi công dự án Hợp khối trụ sở làm việc các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang. Hà Giang cũng xin hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thực hiện.

Dự án bao gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là gần 30.000 m2, chưa bao gồm tầng bán hầm. Tổng vốn đầu tư của dự án là gần 700 tỷ đồng.

Lý do được UBND tỉnh Hà Giang đưa ra là các cơ quan hành chính của tỉnh đều được đầu tư từ những năm 1990-1991, nằm rải rác trên địa bàn các phường. Trải qua hơn 25 năm sử dụng, các công trình đã xuống cấp, để tiếp tục sử dụng đòi hỏi cần có nguồn vốn cải tạo, sửa chữa rất lớn…

Trước đề xuất của Hà Giang, dư luận đặt câu hỏi trụ sở cơ quan của tỉnh tuy cũ nhưng đã đến mức ảnh hưởng sức khỏe cán bộ, ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả công việc chưa mà cần phải xây dựng mới? Hay vì trụ sở cũ không hoành tráng như các địa phương khác nên Hà Giang muốn xây mới cho “bằng anh bằng em”?

Mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Khóa XIII nhắc lại câu chuyện học sinh đội mũ "bảo hiểm" khi ngồi trong lớp học từng diễn ra tại trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội vào tháng 10/2017.

Nguyên nhân học sinh phải đội mũ “bảo hiểm” vì ngôi trường này thuộc xuống cấp đến độ vữa trần trà bong, tróc rơi xuống từng mảng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, an toàn của học sinh.

“Từ câu chuyện đó chúng ta đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, trụ sở cũ như tỉnh Hà Giang nói xây dựng trên 25 năm vậy xuống cấp mức nào, có ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của cán bộ công chức viên chức, ảnh hưởng hiệu quả công việc không.

Nêu không ảnh hưởng thì rõ ràng lý do xây dựng trụ sở mới do trụ sở cũ xuống cấp là không hợp lý. Trụ sở tuy cũ nhưng không hư hại, không xuống cấp đến mức gây cản trở công việc, ảnh hưởng sức khỏe cán bộ thì đó không phải lý do để xây dựng trụ sở mới”, PGS.TS Bùi Thị An cho hay.

ha-giang-xin-xay-tru-so-moi-can-bo-da-phai-doi-mu-bao-hiem-trong-cong-so-chua
Theo PGS.TS Bùi Thị An trước khi xin xây trụ sở mới, UBND tỉnh Hà Giang cần xem trụ sở cũ đã xuống cấp đến mức độ ảnh hưởng sức khỏe cán bộ công chức, viên chức, ảnh hưởng đến chất lượng công việc hay không.

Phân tích sâu sa nguyên nhân các địa phương đua nhau xin xây trụ sở mới, trong đó có cả tỉnh nghèo PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, mong muốn có trụ sở hiện đại, tiện nghi nhằm tăng hiệu quả công việc, phục vụ nhân dân tốt hơn là chính đáng.

Tuy nhiên, PGS Bùi Thị An thừa nhận có tình trạng, địa phương đua nhau xin làm trụ sở. Trong đó có chuyện lãnh đạo tỉnh này đi thăm tỉnh khác thấy trụ sở đẹp, hoành tráng khi về cũng lên dự án xin xây trụ sở mới với nhiều lý do.

“Các địa phương có quyền xin đề xuất xây trụ sở UBND tỉnh, thành phố mới, còn việc đồng ý hay không, xây thế nào, quy mô ra sao, nguồn vốn ở đâu…phải Trung ương quyết định”, PGS Bùi Thị An cho hay.

Trở lại vấn đề UBND tỉnh Hà Giang xin xây trụ sở mới, theo PGS An số tiền 700 tỷ đồng không hề nhỏ với một tỉnh nghèo miền núi như Hà Giang.

“Đặt trong bối ngân sách eo hẹp, thu không bù chi Chính phủ đang phải vay để trả nợ. Trung ương đang yêu cầu tinh giảm bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi thường xuyên. Trước khi xin xây trụ sở mới thì Hà Giang đã và đang thực hiện việc tinh giảm bộ máy, giảm đầu mối, tiết kiệm cho ngân sách như thế nào? Đã làm tốt chưa?”, PGS Bùi Thị An đặt câu hỏi.

Theo PGS Bùi Thị An nếu mỗi địa phương không tiết kiệm, không tăng hiệu quả công việc, giảm chi ngân sách thì không đồng ý cho xây trụ sở mới được.

Được biết theo kế hoạch, để có tiền xây trụ sở mới Hà Giang sẽ xin triển khai dự án theo hình thức đầu tư hợp tác công tư, hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Có nghĩa sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời gian nhất định. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định.

 

Hơn 34% là hộ nghèo, nhiều công trình tiền tỷ lãng phí, vì sao Hà Giang vẫn muốn xây trụ sở UBND tỉnh 700 tỷ?

Hàng loạt các công trình tiền tỷ tại Hà Giang dù đã đi vào hoạt động nhưng không phát huy hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo tới 34,41% vậy tại sao lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang vẫn muốn xây trụ sở 700 tỷ?

 

Xin xây trụ sở 700 tỷ theo dạng BTL, người dân đến UBND tỉnh Hà Giang liệu có phải nộp phí?

Theo TS Liêm, trụ sở hành chính cơ quan nhà nước được xây dựng để phục vụ người dân, nếu để một doanh nghiệp đứng ra đầu tư, rồi vận hành thì sẽ biến của công thành của tư nhân. Khi đó, người dân muốn đến làm việc có được không hay phải trả phí?