Văn bản hướng dẫn Luật Xuất nhập cảnh đối với người Việt ở nước ngoài

Thứ tư, 29/05/2019, 06:30 AM

Văn bản này để kiều bào, người nước ngoài hiểu rõ hơn về Luật, những quy định, nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Nhân viên hải quan sử dụng máy soi để kiểm tra hành lý khách nhập cảnh. (Ảnh: Phạm Hậu/ TTXVN)

Sáng 24/5, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản hướng dẫn về Luật Xuất nhập cảnh đối với người Việt Nam ở nước ngoài cho kiều bào, thân nhân và các Ban Liên lạc kiều bào quận, huyện, người làm công tác kiều bào tại thành phố.

Theo Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, đây là dịp để kiều bào, người nước ngoài hiểu rõ hơn về Luật, những quy định, nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Ngoài ra, hội nghị còn giúp kiều bào, người nước ngoài hiểu rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, phần đông kiều bào và người nước ngoài thường không nắm rõ, dễ dẫn đến sai sót (theo luật này quy định) là người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam (điều 4); thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích (điều 7).

Các vấn đề liên quan đến thường trú (mục 2, chương VI); khai báo tạm trú (điều 33); tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu vực biên giới và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (điều 34).

Riêng các trường hợp được miễn thị thực (điều 12); đơn phương miễn thị thực (điều 13) được áp dụng theo luật định Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là công dân các nước khu vực ASEAN, công dân ở 13 nước theo quyết định của Chính phủ Việt Nam (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, Belarus, Anh, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha) không chỉ khẳng định quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, mà còn tạo thuận lợi, thông thoáng cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế địa phương thông qua hình thức du lịch, thăm thân, hợp tác, đầu tư.

Ông Nguyễn Vân Anh cũng lưu ý tùy từng trường hợp cụ thể, đơn vị - cá nhân thực hiện bảo lãnh, gia hạn thị thực; những vấn đề liên quan đến quy định về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, hướng dẫn nội dung liên quan đến sử dụng hộ chiếu, hết hạn, thủ tục cấp đổi, thị thực, mất hộ chiếu, khôi phục giá trị hộ chiếu, đăng ký kinh doanh, giao dịch mua bán, xác nhận gốc Việt Nam khi không còn giấy tờ khác.Bên cạnh đó, kiều bào hay người nước ngoài đi du lịch, thăm thân, sinh sống, học tập, làm việc dù ở Việt Nam hay ở các nước khác cũng cần tuân thủ luật pháp nước sở tại, mang theo giấy tờ tùy thân khi ra đường...

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có số người nước ngoài tạm trú, thường trú nhiều nhất cả nước, với khoảng 100.000 người. Trong đó, phần đông là công dân Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, tập trung sinh sống, học tập và làm việc ở Quận 1 khoảng 35.000 người, Quận 7 khoảng 27.000 người, Quận 2 khoảng 8.000 người, Quận 3 khoảng 7.000 người.

 

'Nghề rửa ảnh' thời hiện đại của chàng trai gốc Việt

Smartphone phổ cập là lúc nhiều cửa hàng rửa ảnh kiểu cũ lùi dần để nhường sân cho quầy in ảnh tự động.

 

Hai lao động Việt Nam bị cướp sát hại dã man tại Angola

Hai lao động người Việt Nam là chị em dâu, quê ở Hà Tĩnh, vừa bị cướp sát hại dã man khi đang ngủ trong khu trọ tại tỉnh Lubango, Angola. Hiện cộng đồng người Việt Nam tại nước bạn đang quyên góp để đưa thi thể nạn nhân về quê.