Thứ bảy, 22/09/2018, 15:10 PM
  • Click để copy

Về nơi cưu mang hàng trăm đứa trẻ bất hạnh

Không bà con thân thích, không quan hệ máu mủ nhưng từ nhiều năm nay, hàng trăm đứa trẻ kém may mắn lại sống với nhau, yêu thương, giúp đỡ nhau trong mái nhà chung. Ngôi nhà hạnh phúc này chính là chùa Đức Sơn (thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
Chùa Đức Sơn là nơi cưu mang hàng trăm đứa trẻ bất hạnh.

Cách trung tâm TP Huế chưa đầy 5km, hơn 30 năm qua, chùa Đức Sơn là nơi cưu mang hàng trăm đứa trẻ bất hạnh. Các em ở đây mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau.

Sư cô Thích Nữ Liên Bình - một người đã gắn bó với chùa Đức Sơn nhiều năm, cho hay: “Các cháu ở đây đa phần là bị bỏ rơi, nhiều em vừa mới sinh ra, có em chưa cắt rốn hay có những trẻ em bị bỏ rơi giữa đường được người đi đường mang vào chùa…”.

ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
Sư trụ trù chùa Đức Sơn Thích Nữ Minh Tú chia sẻ về công việc chăm sóc các em nhỏ.

Theo tìm hiểu, trước đây, chùa Đức Sơn vốn là Niệm Phật Đường nhỏ từ huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Cơ duyên đến với chùa vào năm 1986 khi các sư cô cưu mang và chăm sóc một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở cửa chùa.

Cứ thế, những đứa trẻ thiếu may mắn lần lượt đến với ngôi chùa này. Đến nay, chùa đã trở thành Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thiện nguyện, là mái ấm tình thương của hơn 135 em nhỏ bất hạnh, từ những em chưa đầy tháng tuổi đến các em đi học nghề, đại học và cao học. Đỉnh điểm, chùa Đức Sơn từng nhận nuôi đến 205 em.

ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
Các em nhỏ ăn cơm trưa sau khi đi học về.

Tại ngôi nhà chung này, các em được nuôi dạy, ăn ở như một gia đình ấm áp và được đến trường học chữ. Mọi chi phí đều nhờ vào sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện.

Do các em đang ở tuổi ăn, tuổi lớn nên nhà chùa luôn cố gắng làm sao cho có thịt, có cá trong những bữa ăn để các em có đầy đủ chất dinh dưỡng, có đủ điều kiện phát triển về thể chất. Không chỉ được hỏi văn hóa ở trường, về đến chùa các em còn được học võ, học bơi và sinh hoạt vui chơi với nhau.

ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
Tại đây, các em được học nhiều cái hay như học võ, học bơi...

Sư cô Liên Bình chia sẻ, các em ở đây đều ngoan và rất biết nghe lời. Các em sống rất tình cảm, biết thương yêu, chăm sóc lẫn nhau.

Cũng như rất đông các bạn ở chùa Đức Sơn, em Hồ Thị Lài (18 tuổi) không may bị bố mẹ bỏ rơi từ khi lọt lòng. Sau đó, em được các sư cô nuôi dưỡng. Tuy có thiếu thốn tình thân, nhưng từ nhỏ em đã xem các sư cô như những người mẹ hiền.

“Ở đây, các sư cô quan tâm chúng em từng bữa ăn, giấc ngủ và chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống này. Năm nay, em chuẩn bị thi đại học nên em được các sư cô định hướng và tư vấn để em có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình”, em Lài chia sẻ.

ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
Sư cô Liên Bình đang "làm bạn" cùng em nhỏ.

Vì có số lượng trẻ lớn trong khi chùa chỉ có 18 sư cô nên việc ăn mặc, chăm sóc sức khỏe và học hành hằng ngày của các em cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương và nhờ sự giúp đỡ của các cô bảo mẫu, các bạn sinh viên tình nguyện nên những “người mẹ thứ hai” cùng đàn con từng ngày vượt qua những chông gai của cuộc sống. Để rồi, đến nay đã có hơn 300 em lớn lên và trưởng thành từ mái ấm hạnh phúc này.

ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
Ở ngôi nhà hạnh phúc, các em xem nhau như những người thân...

Sư trụ trù chùa Đức Sơn Thích Nữ Minh Tú chia sẻ, mong muốn lớn nhất của chùa là cố gắng làm sao để mỗi em sau này khi ra đời đều có tri thức, có nghề nghiệp, đều được nên người.

Hiện nay, có rất nhiều em được nuôi dưỡng ở chùa này đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống. Không quên nơi mình được “tái sinh”, nhiều em vẫn thường xuyên quay lại thăm ngôi nhà thứ hai của mình và có những hành động thiện nguyện để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh khác.

ve-noi-cuu-mang-hang-tram-dua-tre-bat-hanh
Các em uống sữa và nghỉ ngơi sau giờ ăn trưa.

Cứ thế, sau mỗi giờ tan học, ngôi chùa vốn tĩnh lặng, cách xa khói bụi thành phố lại rộn ràng tiếng cười nói trong trẻo của những đứa trẻ hồn nhiên và đáng yêu…

 

Nữ sinh viên trường báo và niềm tin 'đứng trên đôi chân mình, cuộc sống đẹp như mơ'

Chúng tôi hẹn Nguyễn Phương Thảo - cô sinh viên trường báo có gương mặt tươi sáng, xinh xắn tại một quán cà phê nhỏ trên phố Nguyễn Khang, Hà Nội. Chẳng ai trong chúng tôi hình dung được đằng sau nụ cười rạng rỡ đó lại là một quãng đời sinh viên đầy thăng trầm của cô gái tỉnh lẻ cho đến khi lắng nghe những gì em kể.