Vi phạm sở hữu cổ phần ngân hàng sẽ bị xử phạt đến 150 triệu đồng

Chủ nhật, 24/11/2019, 18:47 PM

Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt 100-150 triệu đồng nếu sở hữu cổ phần ngân hàng vượt mức, ngoài việc bị xử phạt còn phải bán chuyển nhượng cổ phần vượt quá giới hạn.

vi-pham-so-huu-co-phan-ngan-hang-se-bi-xu-phat-den-150-trieu-dong
Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt 100-150 triệu đồng nếu sở hữu cổ phần ngân hàng vượt mức, ngoài việc bị xử phạt còn phải bán chuyển nhượng cổ phần vượt quá giới hạn. Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với các vấn đề về quản lý, sử dụng giấy phép, về tổ chức quản trị, điều hành, về cổ phần, cổ phiếu, vốn góp, về huy động vốn và phí cung ứng…

Theo đó, mức phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với cá nhân là 1 tỷ đồng và tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng. Đồng thời, đối tượng vi phạm sẽ bị buộc khắc phục hậu quả như thoái vốn tại các công ty con, liên kết, bán số cổ phần vi phạm, thu hồi, hòan, trả tài sản…

Cụ thể, hành vi sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định (cá nhân không được sở hữu trên 5% tại một ngân hàng, tổ chức không được sở hữu quá 15% và nhóm cổ đông liên quan không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng) sẽ bị phạt 100-150 triệu đồng và phải bán chuyển nhượng cổ phần vượt quá giới hạn.

Các cá nhân trong thời gian đảm nhiệm chức vụ tại tổ chức tín dụng sẽ bị phạt 150-200 triệu đồng với hành vi vi phạm quy định về chào bán, chuyển nhượng cổ phần, phạt 250-300 triệu đồng với hành vị chuyển nhượng cổ phần trong thời gian xử lý hậu quả theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.

Với hành vi vi phạm về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp trong lĩnh vực quy định… bị phạt 250-300 triệu đồng.

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

Với tổ chức tín dụng, phạt 40-50 triệu đồng với các hành vi cấp tín dụng không có hợp đồng hoặc thỏa thuận văn bản, cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện cho vay… Với hành vi vi phạm giới hạn cấp tín dụng và cấp tín dụng dưới hình thức khác khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bị phạt 80-120 triệu đồng.

Đồng thời, quy định phạt 250-300 triệu đồng với các hành vi cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân là thành viên HĐQT, BKS, người có liên quan đến thành viên HĐQT, BKS, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc…

Hiện nay theo quy định nhằm tránh sở hữu chéo, chức danh Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác..

Trước đó, Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã quy định, thành viên HĐQT, thành viên HĐTV của TCTD không được đồng thời là người quản lý của TCTD khác, trừ trường hợp tổ chức này là công ty con của TCTD đó hoặc là thành viên Ban kiểm soát của TCTD đó.

Ngoài ra, Trưởng Ban kiểm soát của TCTD không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát, người quản lý của TCTD khác…

Link gốc:https://baosuckhoecongdong.vn/vi-pham-so-huu-co-phan-ngan-hang-se-bi-xu-phat-den-150-trieu-dong-142762.html