Thứ hai, 23/09/2019, 15:25 PM
  • Click để copy

Bất cập khai thác sân bay: Nhà nước bỏ tiền đầu tư, ACV 'ngồi chơi' hưởng lợi

Trong khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt hàng nghìn tỷ đồng kèm theo con số tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ thì một nghịch lý đã và đang diễn ra đó là việc nhà nước vẫn phải bỏ ngân sách để sửa chữa các hạ tầng sân bay.

 Đường băng Nội Bài bị xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: NLĐ).
 Đường băng Nội Bài bị xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: NLĐ).

Nhức nhối vấn nạn đường băng xuống cấp

Nhiều ngày nay dư luận quan tâm đến câu chuyện đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó nổi cộm lên là vấn đề sửa chữa, khắc phục các hư hỏng này đã được các cơ quan chức năng bàn tới bàn lui nhiều lần. 

Theo lý giải, 2 Cảng hàng không (CHK) Quốc tế lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang phải chịu sức ép rất lớn do nhu cầu vận tải tăng cao. Đặc biệt, hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 CHK này đã khai thác vượt tần suất thiết kế, dẫn tới bị xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phùi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bê tông...

Các Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tự bỏ kinh phí để khắc phục tạm thời tại các điểm hư hỏng để đảm bảo phục vụ an toàn bay. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay.

Ngoài ra, cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đường băng số 1 đang khai thác của sân bay Cam Ranh sau 15 năm khai thác chưa từng được sửa chữa lớn, chỉ sửa chữa nhỏ, trám vá vết nứt.

Mặt đường băng hiện tại xuất hiện rất nhiều vết nứt dọc theo vệt bánh sau của tàu bay toàn bộ chiều dài đường cất/hạ cánh. Các tấm bê tông xi măng khu vực đường lăn nối, tiếp giáp đường cất/hạ cánh bị sụt lún, nứt vỡ tại nhiều vị trí. Trong khi đó, đường băng số 2 mới với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng đã làm xong từ lâu nhưng chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa bàn giao khai thác.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. 

Cụ thể: Từ năm 2018, Bộ GTVT đã liên tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo nhiều phương án được đưa ra...

Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định sử dụng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để bổ sung vốn cải tạo đường cất, hạ cánh và đường lăn hay sân bay này.

Tại văn bản gửi Bộ Tài chính về kiến nghị bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT đưa ra con số gần 4.500 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tránh việc phải đóng cửa đường băng sân bay. Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ. 

Bất cập nhà nước bỏ vốn sửa chữa, doanh thu của ACV lãi dòng

Một bất cập trong việc sửa chữa cải tạo đường băng Nội Bài, Tân Sơn nhất đang được dư luận quan tâm lúc này đó là câu chuyện nhà nước bỏ vốn sửa chữa còn doanh nghiệp lại khai thác thu lợi nhuận cao.

Trong khi Bộ GTVT kiến nghị xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ để thực hiện sửa chữa đường bay thì báo cáo tài chính của ACV, trong 6 tháng đầu năm 2019, thể hiện doanh thu của đơn vị đạt con số rất cao.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu ACV đạt 8.909 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.563 tỷ đồng, hoàn thành 55,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.703 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.696 tỷ đồng...

Trao đổi về vấn đề này với báo chí, TS Nguyễn Bách Phúc (chuyên gia Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON) cho rằng, ACV là một công ty cổ phần, là một doanh nghiệp, phải tự kinh doanh, lấy doanh thu để chi trả chi phí vận hành, trong đó có chi phí duy tu, sửa chữa... Vậy tại sao khi đường băng hỏng, Cục Hàng không Việt Nam và cả Bộ GTVT lại quay sang xin tiền ngân sách để sửa chữa?

“Lấy tiền ngân sách sửa chữa đường băng cho doanh nghiệp kinh doanh khai thác sân bay là sai luật. Bộ GTVT can thiệp vào việc này cũng là không phù hợp", TS Nguyễn Bách Phúc nhận định.

Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng: “Trước đó, vào năm 2017, ACV đã được cổ phần hóa, sau đó hệ thống đường băng tại các sân bay đã được tách ra, phần hạ tầng là tài sản của Nhà nước mà không được tính vào tài sản giao cho ACV. Do đó, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa hạ tầng đường lăn tại Nội Bài sẽ phải sử dụng bằng ngân sách nhà nước. ACV muốn tự bỏ tiền sửa chữa cũng không thể được”.