Vì sao Bộ Công an đề nghị cung cấp hồ sơ Nhà máy nước mặt sông Đuống?

Thứ tư, 30/09/2020, 13:42 PM

Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Sở KH&ĐT Hà Nội cung cấp tài liệu Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đây là dự án từng gây lùm xùm trong thời gian dài.

Nhà máy nước mặt sông Đuống của Shark Liên từng vướng rất nhiều lùm xùm. (Ảnh: Shark Liên chơi golf từng khiến dư luận bức xúc).

Nhà máy nước mặt sông Đuống của Shark Liên từng vướng rất nhiều lùm xùm. (Ảnh: Shark Liên chơi golf từng khiến dư luận bức xúc).

Thông tin Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo đó: Hồ sơ, tài liệu được đề nghị bàn giao theo quy định trước ngày 30/9. Ngoài ra, C03 cũng đề nghị Hà Nội cung cấp hồ sơ liên quan quá trình điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ 2013 đến nay.

Báo chí dẫn trao đổi từ Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được văn bản và đã chuẩn bị hồ sơ liên quan để cung cấp cho cơ quan chức năng theo đề nghị.

Nhà máy nước mặt sông Đuống là một trong những dự án đình đám từng gây xôn xao dư luận cuối năm 2019 bởi một loạt các vấn đề liên quan như: Giá nước cao gấp đôi mặt bằng, người mua nước phải gánh lãi vay của chủ đầu tư, chưa nghiệm thu đã đi vào khai thác hay câu chuyện tập golf trong khuôn viên nhà máy.

Nhà máy Nước Sông Đuống do Tập đoàn AquaOne của bà Đỗ Thị Kim Liên hay còn gọi là Shark Liên làm chủ đầu tư, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhà máy nước mặt sông Đuống khởi công hồi tháng 3/2017, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD). Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng.

Nhà máy đặt kế hoạch cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu hộ dân tại 8 quận, huyện của thành phố Hà Nội. Dự án được triển khai trên diện tích 62 ha, thuộc địa bàn hai xã Phù Đổng và Trung Màu, huyện Gia Lâm.

Tháng 9/2019, hệ thống cấp nước bắt đầu vận hành, cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch mỗi ngày đêm cho người dân Hà Nội. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 năm đó, cơ quan giám định của Bộ Xây dựng vẫn chưa nghiệm thu.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 12/11/2019, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, phí lãi vay tính vào giá nước 20%, tức khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước.

Một tháng sau đó, ông Nguyễn Đức Chung (khi đó là Chủ tịch Hà Nội) nhận định phát biểu của Giám đốc Sở Tài chính là “rất sai lầm”, khiến dư luận hiểu lầm giá nước người dân phải chịu có tính cả lãi vay của nhà máy nước.

Bài liên quan