Vì sao Bộ GTVT không muốn nhận lại Tổng Công ty Đường sắt?

Thứ năm, 16/04/2020, 13:24 PM

Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị không điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về lại Bộ này.

Bộ GTVT không nhận lại Tổng Công ty Đường sắt - VNR. (Ảnh minh họa).

Bộ GTVT không nhận lại Tổng Công ty Đường sắt - VNR. (Ảnh minh họa).

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc điều chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) về lại Bộ GTVT.

Theo đó, Bộ GTVT không tiếp nhận lại vai trò đại diện phần vốn nhà nước tại VNR từ Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV).

Bộ GTVT cho rằng việc điều chuyển VNR về lại bộ này có ưu điểm là thuận lợi trong công tác điều hành, thực hiện quy hoạch, đầu tư của ngành đường sắt. Bên cạnh đó, cơ bản không phải điều chỉnh hệ thống hoạt động đường sắt, tận dụng cơ cấu bộ máy hiện hữu quản lý, điều hành của VNR…

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc VNR về lại Bộ GTVT chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước đối với công tác đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, nếu VNR về lại Bộ GTVT phải thực hiện rà soát điều chỉnh quy định pháp luật hiện hành. Mục đích triển khai thực hiện giao vốn nhà nước trong bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện.

“Trên cơ sở đó, kiến nghị không điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu kiến nghị.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ủy ban cần sớm rà soát, trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu VNR. Trong đó, cần sắp xếp cơ cấu bộ máy phù hợp với quy định pháp luật về bảo trì, khai thác. Đồng thời sớm nghiên cứu tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật trong việc quản lý, thực hiện bảo trì thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Trước đó, UBQLV cũng kiến nghị Thủ tướng không điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT. Lý do, việc điều chuyển chỉ tận dụng được bộ máy cũ, mô hình cũ để thực hiện theo cơ chế cũ, mặc dù cơ chế này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Từ đầu năm tới nay, do vướng mắc về cơ chế chính sách sau khi điều chuyển về UBQLV, lãnh đạo VNR cho biết, vẫn chưa được giao vốn bảo trì thường xuyên kết cấu hạ tầng, dẫn tới thiếu tiền trả lương cho hơn 11.000 công nhân.

Bài liên quan