Vì sao giảm giờ làm từ lâu đã là xu hướng trên thế giới?

Thứ sáu, 25/10/2019, 11:00 AM

Các số liệu, nghiên cứu từ lâu đã chứng minh, làm việc nhiều không có nghĩa là năng suất sẽ tăng mà còn có tác động ngược lại.

 Số giờ làm việc trung bình theo tuần của các quốc gia trên thế giới theo số liệu được công bố tháng 7/2019 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO).
Số giờ làm việc trung bình theo tuần của các quốc gia trên thế giới theo số liệu được công bố tháng 7/2019 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO).

Hơn một thế kỷ trước, Ernst Abbe, nhà vật lý, nhà thiên văn học kiêm người đứng đầu nhà máy quang học ở Đức, đã quan sát thấy việc rút ngắn thời gian làm việc từ 9 xuống 8 giờ mỗi ngày, 40 đến 50 giờ mỗi tuần, dẫn đến tăng sản lượng.

Vô số các thử nghiệm kể từ đó đã chỉ ra rằng những phát hiện của Abbe vẫn đúng. Tổng sản lượng sản xuất sẽ giảm khi có thêm giờ làm việc.

Vào những năm 1920, ông trùm ô tô Henry Ford đã thử nghiệm các lịch trình làm việc khác nhau cho nhân viên của mình. Sau khi áp dụng một tuần 5 ngày làm việc, tương đương 40 giờ, vào năm 1926, ông phát hiện ra rằng nhân viên của mình thực sự sản xuất nhiều hơn so với khi làm 6 ngày.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford ở Mỹ đã nhận thấy rằng khi nhân viên làm việc lâu hơn 40 đến 50 giờ mỗi tuần, tổng sản lượng của họ trong một khoảng thời gian dài sẽ giảm.

Nói cách khác, làm việc nhiều thực sự lại có hại cho sản lượng. Hiện nay, theo thống kê mới được công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhiều quốc gia phát triển lại có giờ làm việc rất thấp, với  Hà Lan 32 giờ (thấp nhất thế giới), Australia và New Zealand 33 giờ, Đan Mạch và Na Uy 34 giờ, Mỹ 37 giờ.

Các nghiên cứu của ILO cho thấy những quốc gia thu nhập thấp và trung bình có xu hướng làm việc nhiều hơn những quốc gia giàu có.

Nhiều nhà quản lý thường nghĩ rằng để tăng sản lượng sản xuất, người ta chỉ cần tăng số giờ làm của nhân viên.

vi-sao-giam-gio-lam-tu-lau-da-la-xu-huong-tren-the-gioi
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, suy nghĩ đó bị nhiều chuyên gia cho là sai lầm.

Đại học Stanford từng viết trên trang web của mình rằng: “Những rắc rối với môi trường làm vượt ra ngoài phạm vi văn phòng. Thời gian làm việc dài và những ngày cuối tuần bị hủy hoại bởi các vấn đề tại văn phòng có thể gây tổn thất nặng nề cho hôn nhân và gia đình, cũng như sức khỏe thể chất và tâm lý chung của nhân viên”.

Ngoài việc bị tác động đến cuộc sống cá nhân, một nhân viên làm việc quá sức có thể mệt mỏi đến nỗi bất kỳ công việc bổ sung nào cũng dễ bị sai và cần sự giám sát nhiều hơn. Cái giá cho những sai lầm ấy có khi lại lớn hơn hiệu quả của việc làm thêm.

Các nhà nghiên cứu của Stanford chỉ ra rằng loại sự cố đó thường xuyên xảy ra và đã được công nhận từ lâu. Nhân viên sử dụng máy móc hạng nặng làm việc quá sức có nhiều khả năng tự gây thương tích và làm hỏng máy móc hoặc làm hỏng hàng hóa mà họ đang làm.

Những hậu quả thể hiện bằng con số của làm việc quá nhiều

Nhật Bản và Hàn Quốc là những minh chứng hùng hồn nhất cho hậu quả của việc làm việc quá nhiều.

Số người chết do làm việc quá sức ở Nhật Bản nhiều đến mức nó có "tên riêng" karoshi. Karoshi có nghĩa là người lao động tử vong do những chứng bệnh liên quan đến căng thẳng (đau tim, đột quỵ) hoặc những người tự sát do áp lực công việc.

Theo BBC, số giờ làm việc trung bình của Nhật năm 2017 là 1.713 giờ làm việc mỗi năm (46 giờ mỗi tuần). Trước đây, quốc gia này không hề có luật quy định thời gian làm việc tối đa trong tuần và cũng không có giới hạn thời gian làm việc ngoài giờ.

Trong năm tài chính 2015-16, Chính phủ Nhật ghi nhận 1.456 trường hợp karoshi. Trong khi đó, các tổ chức đấu tranh cho quyền lợi nhân viên nói rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Để giải quyết tình trạng đáng báo động này, đầu năm nay, Nhật Bản quy định người lao động chỉ được làm ngoài giờ tối đa 45 giờ một tháng và 360 giờ một năm. Hiện tại luật trên mới chỉ áp dụng với các công ty lớn. Những công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền, mức phạt có thể lên tới 300.000 yen (tương đương 2.700 USD).

Tại Hàn Quốc, tình trạng làm việc quá sức cũng được cảnh báo từ lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống và cả tỉ lệ sinh đang giảm của nước này. Hàn Quốc hiện đang có thời gian làm việc dài hơn bất cứ quốc gia phát triển nào. Trung bình 2.069 giờ mỗi năm.

Hồi tháng 3/2018, quốc hội Hàn Quốc thông qua đạo luật cho phép một số lượng đáng kể người lao động được nghỉ ngơi một cách xứng đáng.

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng đạo luật là cần thiết để cải thiện điều kiện sống, tạo thêm nhiều việc làm và tăng năng suất lao động. Ngoài ra, chính phủ hy vọng đạo giúp tăng tỷ lệ sinh đẻ sau khi nó bị giảm đáng kể trong vài thập niên qua.