Vì sao Heineken bị truy thu 916 tỷ đồng thuế?

Thứ ba, 14/01/2020, 06:48 AM

Tổng cục Thuế cho biết, Heineken Việt Nam bị truy thu 916 tỷ đồng do chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam.

 

 

Tổng cục Thuế cho biết, Heineken Việt Nam bị truy thu 916 tỷ đồng do chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam.

Cụ thể, Heineken Việt Nam bị truy thu thuế vì một giao dịch vào cuối năm 2018, khi Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) chuyển nhượng vốn 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch này lên đến hơn 4.800 tỷ đồng.

Phía Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng nói trên là hơn 823 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd đã có văn bản gửi Cục thuế TP Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai Chính phủ Việt Nam - Singapore. Theo Hiệp định này, doanh nghiệp FDI được miễn, giảm một số loại thuế nếu có địa chỉ đăng ký tại quốc gia nào có mức thuế thấp hơn. 

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết, quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự nêu, trường hợp giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nói trên phải kê khai và nộp thuế ở nước sở tại (tức là Việt Nam). Sau khi Tổng cục thuế ban hành kết luận thanh tra, Bia Heineken Việt Nam đã nộp 917,2 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách, trong đó có 823 tỷ đồng là thuế chuyển nhượng, phần còn lại là tiền chậm nộp của doanh nghiệp.

Vụ truy thu thuế của Heineken đã giúp nâng tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách trong tháng 12/2019 lên hơn 4.472 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 1/1, Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định mức xử phạt mới đối với tài xế sử dụng rượu, bia đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, ở mức nồng độ cồn thấp nhất, tài xế xe máy sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng, còn tài xế ô tô bị phạt 6-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe theo thời hạn tương tự.

Qua ghi nhận, quy định mới này khiến số lượng người uống rượu, bia ở các nhà hàng, quán ăn giảm đáng kể, nhưng lại đẩy sản lượng tiêu thụ mặt hàng rượu, bia và đồ uống có cồn tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi.

Theo quan điểm của SSI Research, do ảnh hưởng của luật về việc phòng chống tác hại của rượu bia, tăng trưởng sản lượng bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức 2 con số. SSI Research dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 6-7% trong năm 2020.

Theo Quyết định 1092/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sức khỏe Việt Nam, SSI Research ước tính mức tiêu thụ đặc biệt có thể tăng hơn nữa từ mức hiện tại là 65%. Tuy nhiên, hiện tại không có cuộc thảo luận nào liên quan đến ngày cụ thể mà quyết định có thể thực hiện trong tương lai gần.

Ảnh hưởng đến ngành bia còn đến từ việc Quốc Hội đã thông qua luật phòng chống tác hại của rượu bia, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Các biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia bao gồm: (1) cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể, (2) cấm bán hàng tại các địa điểm công cộng cụ thể như bệnh viện và trường học; cấm bán cho người dưới 18 tuổi; và (3) cấm lái xe sau khi uống rượu bia.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ gia tăng các chương trình giáo dục cộng đồng để giáo dục cho người tiêu dùng về tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều đố uống có cồn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân. Trong khi điều này sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, trái ngược với các thương hiệu hàng đầu của thị trường như Sabeco và Heineken, những thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng.