Vì sao Masan Phú Quốc ủng hộ dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm?

Thứ tư, 13/03/2019, 18:46 PM

Trong khi các cơ sở nước mắm truyền thống Phú Quốc không nhất trí với nội dung trong dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm thì Masan Phú Quốc lại ủng hộ dự thảo này.

vi-sao-masan-phu-quoc-ung-ho-du-thao-tieu-chuan-san-xuat-nuoc-mam
Đa số các ý kiến cho rằng Dự thảo có nội dung, từu ngữ khó hiểu, không sát thực tế. Đồng thời đề nghị cần tách bạch quy chuẩn sản xuất  nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

Dự thảo tiêu chuẩn về quy phạm sản xuất nước mắm TCVN 12607-2019 đã bị "tuýt còi", tạm dừng thẩm định, nhưng nhiều nhà sản xuất nước mắm truyền thống vẫn chưa hết mối lo.

Tại hội nghị góp ý dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm diễn ra ở Phú Quốc, Kiên Giang chiều 12-3 với sự tham gia của nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất nước mắm và các chuyên gia, nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ lo ngại, băn khoăn như tại sao hết asen lại đến histamine? Tại sao lại tưởng tượng các mối nguy để buộc các nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định không phù hợp?...

Chủ tịch Hiệp hội nươc mắm Phú Quốc, bà Hồ Thị Kim Liên cho biết, tuy hội nghị diễn ra hơi muộn, vì hiện nay, Thứ trưởng Bộ KHCN đã có ý kiến tạm dừng thông qua quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có ý kiến chỉ đạo không để ảnh hưởng đến nước mắm truyền thống… Trên cơ sở đó, bà Liên mong các hội viên có những đóng góp xác đáng để tổng hợp thành văn bản gửi cho các cơ quan chức năng.

vi-sao-masan-phu-quoc-ung-ho-du-thao-tieu-chuan-san-xuat-nuoc-mam
Khai thác cá cơm phục vụ sản xuất nước mắm ở Phú Quốc .

Bà Nguyễn Kim Chi, đại diện cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc nói: “Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và được một số chuyên gia giải thích nhưng vẫn không hiểu được nội dung, mục đích của bản dự thảo này ra đời làm gì. Có quá nhiều từ ngữ khó hiểu, nhiều quy định dư thừa”.

Tuy nhiên, đại diện Masan lên tiếng ủng hộ dự thảo quy định về tiêu chuẩn nước mắm nói trên và cho rằng dự thảo đã tuân thủ được tiêu chuẩn quốc tế và rất khả thi.

Ông Bùi Nguyễn Huy Hoàng, đại diện Công ty cổ phần MASAN Phú Quốc đã bày tỏ ủng hộ việc lấy ý kiến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nước mắm, để quy định sát với thực tế. Quan trọng là có sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp. 

"Dự thảo này chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng nó tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và Codex, nhằm hướng tới tiềm năng sản xuất ngày càng lớn hơn. Điều gì chưa rõ thì cần nên làm rõ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, chúng tôi tin rằng tiêu chuẩn này là khả thi".

Tuy nhiên, ý kiến này lập tức bị phản ứng. Ông Triệu Quốc Trị, cơ sở nước mắm Quốc Vị (Phú Quốc), cho rằng: "Nếu khả thi thì chúng tôi đâu có bức xúc, dự thảo đâu phải dừng lại". Ông Trị cho rằng nên "trả lại tên" cho nước mắm truyền thống là nước mắm, còn nước mắm pha chế hay dịch đạm chỉ có thể gọi là nước chấm.

Chuyên gia Vũ Thế Thành, bày tỏ tại Hội nghị: “Tôi không muốn bàn tới nội dung bản dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm nữa vì có người đã phát hiện bộ quy chuẩn này có quá nhiều lỗi. Ở đây, chúng ta cần có khái niệm rõ ràng, rành mạch về nước mắm (còn gọi là nước mắm truyền thống) và nước mắm công nghiệp".

vi-sao-masan-phu-quoc-ung-ho-du-thao-tieu-chuan-san-xuat-nuoc-mam
Đưa ra bản chứng nhận của Liên minh châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đặt câu hỏi: "Thử hỏi nếu nước mắm truyền thống mất đi thì giá trị của giấy chứng nhận này có còn giá trị nữa hay không?" - Ảnh: KHOA NAM

Trong khi đó ông Huỳnh Quang Hưng - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, Kiên Giang nói: các nhà sản xuất nước mắm tại Phú Quốc cần tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương về bản dự thảo gây "sóng gió" dư luận mấy ngày qua.

Mặc dù đã có chỉ đạo tạm dừng thẩm định dự thảo, ông Hưng nhận định nó sẽ được thông qua trong thời gian tới. Vấn đề là những nhà sản xuất nước mắm truyền thống nên có những góp ý để quy định khi được ban hành phù hợp thực tế, để làm sao nghề sản xuất nước mắm được lưu giữ, bảo tồn và phát triển một cách bền vững và lâu dài.

"Chứ không phải là 2-3 năm trước đã 'bị' thạch tín (asen), 2-3 năm nay bị vướng cái này, 2-3 năm tới lại vướng cái khác thì người sản xuất không yên tâm khi đầu tư vào đây", ông Hưng tỏ ra ngao ngán.

Đưa ra bản chứng nhận của Liên minh châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, ông Hưng cho rằng đó là tài sản quý báu, là công sức, là gian khó của các nhà sản xuất nước mắm, các bộ ngành. Để được chỉ dẫn này, nước mắm Phú Quốc đã vượt qua nhiều tiêu chuẩn, qui chuẩn rất khắt khe.

"Thử hỏi nếu nước mắm truyền thống mất đi thì giá trị của giấy chứng nhận này có còn giá trị nữa hay không? Mà giá trị này không chỉ riêng của Phú Quốc, mà là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Liên minh châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý", ông Hưng nhấn mạnh.

 

Sự thật chiêu 'quảng cáo' chữa được dịch tả lợn châu Phi

Trước nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi trên diễn đàn mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết được chia sẻ với nội dung “quảng cáo” rằng có thể chữa được bệnh dịch này.

 

Thủ tướng: Công nghiệp ô tô hướng đến xuất khẩu

Thủ tướng yêu cầu ngành công nghiệp ô tô cần chú ý việc mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu. Trong sản xuất, cần quan tâm bảo vệ môi trường.

 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nước mắm pha chế từ nước mắm truyền thống thêm hương liệu, đóng gói là nước mắm giả

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nếu nước mắm được pha chế từ nước mắm truyền thống thêm hương liệu, chất tạo vị, tạo màu về đóng gói…Là nước mắm giả phải bị trừng trị trước pháp luật.