Máu nhân tạo được sản xuất công nghiệp thay thế máu từ cơ thể người?

Thứ năm, 10/10/2019, 14:25 PM

Trong tương lai sẽ có máu nhân tạo, nhưng để đầu tư sản xuất máu nhân tạo thì đầu tư chi phí và chưa chắc hiệu quả bằng việc hiến máu tình nguyện, bởi việc hiến máu tình nguyện là nguồn máu vô tận và không bao giờ có thể ngừng.

vi-sao-mau-nhan-tao-chua-duoc-san-xuat-cong-nghiep
Máu nhân tạo như một giải pháp thay thế máu hiến từ người trong tương lai.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 117,4 tỷ đơn vị máu hiến tặng thu thập trên toàn cầu mỗi năm nhưng con số này vẫn chưa đủ với nhu cầu thực tế.

Trước nhu cầu bức thiết trên các nhà khoa học tại Nhật Bản đã tạo ra máu nhân tạo, loại máu này có thể thực hiện các chức năng như máu thật với vai trò chủ yếu là lưu trữ và vận chuyển oxy, nếu cơ thể bị mất máu nghiêm trọng trong khi phẫu thuật hoặc sau chấn thương của con người.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu này mới đang thực hiện ở loài thỏ với quy mô phòng thí nghiệm. Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định chắc chắn về việc liệu sản phẩm này có khả năng dẫn đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nào rộng hơn hay không vì các nhà nghiên cứu chưa khám phá sự an toàn lâu dài của máu. Do đó, những phát hiện của các nhà khoa học Nhật Bản chưa thể khẳng định phù hợp với con người hay không.

Là một chuyên gia đầu ngành về huyết học, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đánh giá những nghiên cứu sản xuất máu nhân tạo mới hoàn toàn đang ở những nghiên cứu cơ bản, còn nếu ứng dụng trên thực tế điều trị thì rất khó. 

TS. Khánh nêu lên thực tế: "Trong phòng thí nghiệm, chúng ta có thể sản xuất vài mililit máu được, nhưng trong thực tế khi điều trị cho bệnh nhân, mỗi lần truyền máu cần ít nhất 350ml- 400ml, khi đó cần phải bước đến sản xuất máu công nghiệp, khi đó phải đầu tư một cách rất lớn". 

vi-sao-mau-nhan-tao-chua-duoc-san-xuat-cong-nghiep-thay-cho-mau-tu-co-the-nguoi
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. (Ảnh Chí Hiếu)

Cho đến ngày nay dù khoa học đã rất phát triển, tuy nhiên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đánh giá việc sản xuất máu hiện đang là rào cản công nghệ, bởi khác với những loài động vật khác, cơ thể con người được cấu tạo một cách rất phức tạp.

TS. Khánh tin rằng trong tương lai sẽ có máu nhân tạo, nhưng để đầu tư sản xuất máu nhân tạo thì đầu tư chi phí và chưa chắc hiệu quả bằng việc hiến máu tình nguyện, bởi việc hiến máu tình nguyện là nguồn máu vô tận và không bao giờ có thể ngừng.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đối với một quốc gia, mỗi năm cần tối thiểu khoảng 2% dân số tham gia hiến máu. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN, năm 2018, cả nước tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị, đạt trên 1,6% dân số hiến máu. Như vậy, máu cho điều trị vẫn còn thiếu, thiếu ở nhiều địa phương trên toàn quốc và thiếu ở nhiều thời điểm trong năm, nhất là dịp hè và dịp Tết, kỳ nghỉ hè.

Cho đến thời điểm hiện tại, lượng máu cho điều trị và cấp cứu đều phụ thuộc hoàn toàn vào người hiến. Chính vì thế ngoài những cuộc vận động hiến máu, hiện nay Viện Huyết học Truyền máu TW đang thực hiện mở rộng các điểm hiến máu cố định ngoại viện tại nhiều quận huyện tại Hà Nội, giúp người dân có địa điểm hiến máu gần nơi ở để thuận tiện cho việc hiến máu nhắc lại định kỳ.